Tết Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, khắp các con phố hay chợ búa, nhà nhà, người người rộn ràng sắm sửa để đón năm mới. Những chậu hoa kiểng cũng được trưng bày khắp nơi để không khí ngày Xuân trở nên tươi mới và ấm cúng hơn. Thế nhưng, đằng sau các chậu hoa tươi đẹp, rực rỡ đó là cả một quá trình nhọc công chăm trồng, tất bật lo lắng của những nhà vườn.
Phải lụy... ông trời
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến ngày càng thất thường và khó đoán, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và chất lượng của hoa kiểng Tết. Năm 2018 cũng vậy, đợt mưa lớn kéo dài cuối năm khiến nhiều vườn cúc vàng, hoa công nghệ cao ở TP Đà Nẵng hư hại gần như hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Bảy chuẩn bị hoa bán Tết Ảnh: LY LY
Để có những chậu hoa kiểng đẹp là điều không hề dễ dàng. Nhà vườn phải theo dõi để chăm bón, canh nắng canh mưa suốt nhiều tháng ròng.
Anh Nguyễn Thành Hải, một người trồng hoa ở Làng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cho biết: "Nghề trồng hoa lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Chúng tôi phải luôn theo dõi tình hình mưa nắng thế nào, từ đó có cách chăm bón phù hợp với từng loại hoa".
Gần nửa năm trồng hoa vụ Tết, kể từ lúc gieo giống đến khi chậu cuối cùng được chở đi bán, ngày nào vợ chồng anh Hải cũng có mặt ở vườn để chăm bón, tưới tiêu. Trời nắng nóng kéo dài thì phải cung cấp đủ nước để hoa không bị khô héo. Còn trời mưa liên tục thì phải đào rãnh để thoát nước, ngăn tình trạng ngập úng làm hư thối gốc cây.
Theo anh Hải, mưa nắng thất thường rất dễ gây ra sâu bệnh, làm hư hại hoa kiểng. "Đợt mưa cuối năm vừa qua đã làm vườn hoa của tôi ngập úng, không thể thoát hết nước nên rất nhiều chậu đã hư thối rễ rồi chết. Thời tiết năm nay diễn biến khác mọi năm, không thể nào đoán được để xử trí. Tết năm nay, tôi trồng 1.000 chậu hoa nhưng giờ chỉ còn khoảng một nửa" - anh buồn bã.
Đến Làng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), chúng tôi được biết gia đình bà Nguyễn Thị Bảy là một trong những hộ trồng hoa bị thiệt hại nặng nề nhất do đợt mưa ngập vừa qua. Ngồi cạnh những chậu cúc xác xơ, vừa gỡ bỏ lá hư, bà vừa chia sẻ: "Vườn cúc của tôi thiệt hại hơn 100 chậu, một phần do giống, còn phần lớn là vì lá và gốc bị hư. Hoa nhìn không được bắt mắt, rất khó bán".
Theo bà Bảy, hoa không nở kịp Tết có lẽ là nỗi lo sợ lớn nhất của nhà vườn. Dù đã có kinh nghiệm trồng hoa từ rất lâu nhưng bà cũng như hầu hết các nhà vườn không ai dám khẳng định mình trồng hoa chắc chắn nở đúng dịp Tết. Bởi lẽ, bên cạnh cách chăm sóc từ người trồng, hoa nở sớm hay muộn, có đúng Tết hay không còn phụ thuộc vào tiết trời ấm hay lạnh, nắng hay mưa.
"Tôi trồng hoa đã 18 năm nay nhưng được mùa hay không, nhiều khi cũng hên xui thôi. Hoa nở quá sớm hay quá muộn đều thua, chẳng ai mua. Có năm trời lạnh kéo dài, vườn cúc của tôi không chịu nhú nụ, hoa nở trễ nên không thể bán được. Ngược lại, cũng có năm hoa nở quá sớm, đến Tết là sắp tàn rồi" - bà Bảy cho biết.
Lệ thuộc thương lái
Những ngày này, tại các làng hoa ở Đà Nẵng, thương lái nhiều nơi đang tìm về lấy hàng. Năm nay, hoa Tết được cung ứng từ các nơi, nhất những loại từ Đà Lạt vốn được ưa chuộng, dẫn đến lượng hoa của các nhà vườn ở Đà Nẵng gặp khá nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Bảy cho biết: "Gia đình tôi trồng 500 chậu hoa nhưng đến giờ chỉ bán được gần một nửa. Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết, nếu thương lái không tới mua thì chúng tôi phải tìm chỗ rồi tự đưa hoa đến bày bán".
Đến giờ, giá hoa kiểng Tết nhìn chung tăng nhẹ nhưng tại các làng hoa ở Đà Nẵng, không khí buôn bán vẫn còn khá yên ắng. Anh Nguyễn Thanh Hải giải thích: "Thương lái có lẽ đang thận trọng trước những diễn biến khó lường của thị trường. Hoa kiểng được hay mất giá đều phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái".
Không giống các nghề khác - có những ngày nghỉ ngơi nhất định, người trồng hoa kiểng gần như lúc nào cũng quẩn quanh từ nhà vườn cho đến nơi buôn bán. "Có những năm, lúc giao thừa chúng tôi vẫn còn ngồi bán hoa kiểng. Vì tất bật như vậy nên mâm cúng ông bà cuối năm cũng vội vã, sơ sài" - anh Hải ngậm ngùi.
Tình trạng nhà vườn đập chậu vì không bán được hoa kiểng Tết cũng diễn ra khá phổ biến. Nhiều người có tâm lý đợi sát giao thừa, khi nhà vườn còn tồn đọng nhiều hoa kiểng phải bán hạ giá, mới đi mua. Vừa buồn bã vừa bức xúc, nhiều chủ vườn không thiết bán đã đập chậu, phá hoa.
"Trồng hoa đã 10 năm nay là hầu như 10 cái Tết tôi vội vã trong đêm giao thừa. Bởi lẽ, người ta luôn có xu hướng chờ đến sát Tết, để hoa kiểng hạ giá rồi mới đi mua" - chủ một nhà vườn ở Làng hoa Vân Dương ngao ngán.
Theo ông Lý Phước Dạng, người trồng hoa ở Làng hoa Dương Sơn, chi phí đầu tư năm nay khá cao, tăng khoảng 15% so với mọi năm, do công lao động, giá chậu, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng dẫn đến giá hoa kiểng Tết tăng chứ không phải vì sức mua mạnh. "Người trồng hoa lời hay lỗ còn tùy vào thị trường" - ông Dạng khẳng định.
Những hộ trồng hoa kiểng Tết mà chúng tôi từng gặp, người 5-7 năm, người 18-20 năm theo nghề, bất chấp bao vất vả, khổ cực vẫn cho biết chưa bao giờ có ý định bỏ nghề này. "Trồng hoa dù cực nhưng vui, dù năm nay có lỗ thì Tết sang năm mình tìm cách gỡ gạc lại. Chỉ mong mưa thuận gió hòa, thị trường luôn có nhu cầu" - bà Bảy kỳ vọng.
Đà Nẵng khan hiếm hoa kiểng Tết
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết nhưng hoa kiểng ở Đà Nẵng vẫn khan hiếm. Các tuyến đường mọi năm vốn nhộn nhịp hoa kiểng thì nay khá ảm đạm bởi rất ít người bán. Theo một người bán hoa trên đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, số lượng hoa kiểng Tết từ nhà vườn Đà Nẵng năm nay rất ít.
Ông Phan Hiền, Giám đốc HTX Hoa - Cây cảnh Vân Dương, cho hay các nhà vườn đang ráo riết tập trung chăm sóc hoa để kịp cung ứng ra thị trường. "Năm nay thời tiết không thuận lợi nên người trồng hoa phải bỏ công sức, tiền bạc ra nhiều hơn. Nhiều hộ phải trồng lại, gần Tết phải tăng cường nhân công chăm sóc để hoa kịp nở" - ông giải thích.
Bình luận (0)