Sáng 12-7, tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6-2023.
Thủ tục rất khó khăn
Trưởng Ban Dân nguyện của QH - ông Dương Thanh Bình cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và nhân dân bày tỏ quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động; tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp (DN) do sụt giảm đơn hàng, người lao động mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH - ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN, trong đó đơn cử như trường hợp Công ty An Phát. "Hiện giờ, nhiều DN khó khăn, sức khỏe bị bào mòn mấy năm rồi, tiếp cận tín dụng rất khó khăn. Trong khi đó, tiền thuế này là tiền DN nộp vào cho nhà nước nhưng hoàn lại thì thủ tục rất khó khăn. Với An Phát, công an đã xác minh đủ điều kiện rồi mà Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội cứ vòng vo, đẩy chỗ này, chỗ kia" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Ảnh: VĂN DUẨN
Nêu rõ việc QH đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Thủ tướng cũng có chỉ đạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng nếu Tổng cục Thuế không có hướng dẫn thì cả yêu cầu của QH và chỉ đạo của Thủ tướng gần như không có giá trị gì.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương mời Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Vũ Chí Hùng nêu rõ hướng xử lý việc chậm hoàn thuế cho DN. Những câu trả lời sau đó của đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế đã khiến các vị điều hành phiên họp không hài lòng.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ sốt ruột, hỏi: "Hiện nay, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng chưa hoàn là bao nhiêu?". Tuy nhiên, ông Vũ Chí Hùng không có câu trả lời.
Chủ tịch QH nhấn mạnh rằng QH đã có nghị quyết và Chính phủ đã chỉ đạo, mà giờ này còn nợ đọng bao nhiêu cũng không nói được. "DN tiếp cận vốn rất khó khăn, tiền hoàn thuế là tiền của người ta, còn không cho hoàn nữa, kéo dài mấy năm thì mình làm DN, mình có sống được không?" - Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH phải tiến hành phiên điều trần về hoàn thuế giá trị gia tăng. Việc này làm trong tháng 8 thì tốt - Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương gợi ý khi kết luận phần thảo luận về công tác dân nguyện.
Hàng chục ngàn cán bộ dôi dư sau sáp nhập
Chiều cùng ngày, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH có mặt đã biểu quyết 100% thông qua về nguyên tắc Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nêu rõ Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận. Lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH bằng văn bản trước khi Chủ tịch QH ký chứng thực ban hành.
"Cố gắng trong vòng 1 tuần, nếu được thì thứ tư tuần sau, Chủ tịch QH ký chứng thực ban hành và có hiệu lực từ ngày ký, để tạo điều kiện cho Chính phủ, địa phương triển khai thực hiện" - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nói.
Theo tờ trình của Chính phủ, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện phải sáp nhập từ đây đến năm 2025 là những nơi có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số dưới 70% quy định; cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% quy định; cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định.
Tờ trình thông tin riêng giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước có khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Con số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Đến năm 2030, các tỉnh, thành hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn lại có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số dưới 100% quy định. Cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% quy định.
Liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ và chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư do thực hiện sắp xếp, dự thảo nghị quyết quy định thời điểm tạm dừng bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, dừng tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức nơi sắp xếp, kể từ ngày UBND cấp tỉnh trình Chính phủ đề án sắp xếp cấp huyện, xã.
Việc này nhằm bảo đảm các địa phương có thời gian rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp.
Giải trình làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết vừa qua cơ quan này làm việc với 63 tỉnh, thành, rà soát và đưa ra phương án dự kiến sắp xếp 33 huyện, 1.327 xã. Trong đó, có khoảng 16 đơn vị cấp huyện ở đô thị và 400 đơn vị cấp xã ở đô thị phải sắp xếp. Từ đó, Bộ Nội vụ cũng tính toán dự kiến số cán bộ công chức dôi dư tương ứng.
"Theo đó, số cán bộ lãnh đạo cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Việc hoàn thuế phải làm ngay
Nói thêm về chuyện nợ đọng chưa hoàn thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ thẳng thắn yêu cầu: "Giờ này, còn bao nhiêu nợ đọng chưa hoàn thuế giá trị gia tăng cũng không nói được là thế nào? DN nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra. Đây là nghĩa vụ của nhà nước chứ người ta không xin. Đây là tiền của người ta, quỹ để hoàn thì năm nào QH cũng bố trí. Đấy là tiền của người ta mà trì trệ thế này, giờ này còn không nắm được là nợ bao nhiêu. Việc hoàn thuế phải làm ngay".
Bình luận (0)