Đến Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP HCM) tham khảo học phí và chương trình học cho bằng B2, anh Nguyễn Tấn Sỹ (ngụ huyện Hóc Môn), chia sẻ với phóng viên về tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của mình.
Ngậm ngùi hoãn giấc mơ
Anh Nguyễn Tấn Sỹ cho biết rất khó tham gia vì khoảng thời gian học lý thuyết tập trung kéo dài 21 ngày vào giờ hành chính tại cơ sở chính. Nếu buổi tối, từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút, thì phải di chuyển đến cơ sở ở quận Tân Bình.
"Công việc của tôi là quản lý khách sạn. Chuẩn bị vào dịp lễ 2-9, lượng khách nước ngoài đến TP HCM khá đông nên không có thời gian nghỉ để học lý thuyết tập trung. Tuy nhà trường rất linh động khi đưa ra 2 khoảng thời gian học như trên nhưng tôi vẫn thấy khó khăn, chắc phải đợi tới khi có quy định mới về học online" - anh Sỹ nói.
Nếu đề án được chấp thuận, hình thức học lý thuyết trên môi trường mạng sẽ thay thế cách học tập trung như hiện nay
Cũng tại trung tâm, chúng tôi gặp cha con ông Trần Văn Sanh đến tham khảo khóa học bằng lái B2. Ông Sanh kể người con đang là sinh viên đại học, muốn học lái ô tô để khi ra trường đi làm cho thuận tiện. Tuy nhiên, 3 tuần học lý thuyết tập trung là quá dài khi thời điểm nhập trường đã cận kề.
Thời gian thí điểm đề án được Sở GTVT TP HCM đề xuất 2 năm, từ ngày được chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông đường bộ có sự thay đổi.
"Đọc báo tôi biết TP HCM đang kiến nghị cho học viên học lý thuyết tập trung trên môi trường số. Điều này rất hữu ích vì giúp tiết kiệm thời gian và chủ động sắp xếp lịch học nên có lẽ tôi sẽ đợi để đăng ký sau" - ông Sanh chia sẻ về ý định "thoái lui".
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề xuất UBND TP HCM có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho Công ty TNHH Ô tô Hiệp Phát triển khai thí điểm Đề án đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái ô tô hạng B (B1, B2), C. Theo Sở GTVT TP HCM, việc dạy lái xe cần chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân bố trí thời gian học linh hoạt, phù hợp xu hướng của thế giới. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe, góp phần giảm tai nạn, bảo đảm an toàn giao thông.
Sở GTVT TP HCM đánh giá đề án có cơ sở pháp lý để thực hiện và có tính khả thi. Học viên tự học nhưng có hướng dẫn và giám sát thông qua hệ thống phần mềm, công nghệ số. Họ sẽ sử dụng máy tính, điện thoại để lên mạng cập nhật kiến thức, trao đổi kiến thức với người dạy, người học khác mọi lúc. Như vậy, tiết kiệm chi phí học tập, thời gian học, linh động sắp xếp lịch học... là những mặt lợi có thể thấy.
Đã chậm từ trước nên nay cần triển khai nhanh
Ông Nguyễn Hữu Trung, đại diện Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hóc Môn, cho biết tâm đắc với việc học lý thuyết lái ô tô trên môi trường số nên ủng hộ việc triển khai sớm nhất có thể.
Ông Trung phân tích học lý thuyết 21 ngày tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo gây khó khăn cho nhà trường và học viên vì đa số học viên đều đi làm, không thể nghỉ thời gian dài. Trong khi đó, thi trắc nghiệm lý thuyết ô tô có 600 câu hỏi, nếu học online sẽ nhanh và các trường có thể xây dựng phần mềm đáp ứng ngay việc dạy online.
Học viên học lái ô tô trên cabin mô phỏng
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, ông Bùi Văn Quản, đồng tình quan điểm nên áp dụng sớm. Theo ông Quản, thực tế học tập trung nếu học viên không học đủ buổi, đủ giờ thì "cách này cách nọ" vẫn có thể vượt qua mà chất lượng khó bảo đảm. Do đó, học lý thuyết online sẽ giúp học viên chủ động thời gian và quan trọng là ý thức thu nạp kiến thức cao hơn.
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô liên tỉnh và Du lịch TP HCM, dẫn chứng học lý thuyết đào tạo lái ô tô trên môi trường số đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu và mang lại hiệu quả rõ rệt về chất lượng đào tạo. Bây giờ TP HCM mới đề xuất thí điểm là chậm. Tuy chậm nhưng phải triển khai để bắt kịp xu thế 4.0 và nâng cao chất lượng đào tạo.
"Thực tế đã chứng minh trong thời điểm giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, rất nhiều ngành, nghề đã áp dụng học và làm việc online. Lúc đó, do quy định của Luật Giao thông đường bộ nên việc đào tạo sát hạch GPLX phải tạm dừng khi buộc phải học tập trung. Điều này gây bất tiện cho nhà trường và học viên" - ThS Lê Trung Tính nhắc lại và quả quyết điều gì tiến bộ thì học hỏi và áp dụng, không nên cứng nhắc.
Hạn chế gian lận
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết thí điểm học lý thuyết sát hạch lái xe (bằng B1, B2 và C) tập trung trên môi trường số vừa không sai luật vừa thuận lợi cho cơ sở đào tạo cũng như cho người dân. Điều này cũng phù hợp với chính sách chuyển đổi số của Chính phủ và công nghệ hiện nay hoàn toàn đáp ứng.
Việc đào tạo lý thuyết vẫn theo mô hình tổ chức lớp học với giảng viên và học viên cùng theo thời gian quy định. Khi điểm danh dưới hình thức dùng thẻ, vân tay... trên môi trường số thì hoàn toàn hạn chế được gian lận trong quá trình học.
"Nút chặn là khi kết thúc thời gian học, học viên sẽ phải thi tập trung, trực tiếp để lấy giấy chứng nhận" - ông An nhận xét, đồng thời thông tin ngoài phần lý thuyết học trên môi trường số thì các phần học thực hành và thi vẫn áp dụng như hiện tại.
Bình luận (0)