Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho con voi nhà có tên H’Ban Nang hạ sinh voi con đầu tiên sau 30 năm chờ đợi đã hoàn tất.
Vất vả hơn chăm sóc người
Theo ông Luân, voi thường sinh từ 1 - 3 con trong giai đoạn 13 - 28 tuổi. Tuy nhiên, voi H’Ban Nang đã 37 tuổi mới mang thai lần đầu. Kết quả siêu âm từ thiết bị đưa từ Hà Lan về và qua các mẫu xét nghiệm cho thấy H’Ban Nang sức khỏe tốt, sẽ sinh con trong khoảng 10 ngày tới.
Để không xảy ra sự cố đáng tiếc, nhiều tháng qua, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã lên kế hoạch chu đáo chờ H’Ban Nang sinh đẻ. Trang thiết bị hỗ trợ, bác sĩ thú y đã được huy động. Các nài voi cũng túc trực 24/24 giờ ở gần khu vực voi mang thai để quan sát sự thay đổi dù nhỏ nhất của H’Ban Nang.
Voi H’Ban Nang mang thai chuẩn bị sinh sản. (Ảnh do Trung tâm Bảo tồn voi cung cấp)
Anh Y Thiện Niê, thành viên tổ chăm sóc voi H’Ban Nang, chia sẻ: "Công việc hằng ngày của tôi là quan sát biểu hiện, những thay đổi của voi để tư vấn cho nài. Thỉnh thoảng tôi lấy máu, siêu âm để theo dõi quá trình phát triển của voi con, kiểm tra sức khỏe của voi mẹ. Suốt quá trình mang thai, voi mẹ có nhiều thay đổi từ việc ăn uống, đi lại đến tính cách. Gần ngày sinh, H’Ban Nang ít di chuyển, bầu vú nở nang, chân bắt đầu phù lớn. Chăm sóc voi sinh sản còn khó khăn, vất vả hơn chăm sóc người sinh nhiều".
Để hỗ trợ voi mẹ trong quá trình mang thai, sinh sản và chăm sóc con, từ tháng 7-2017, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã tìm cho H’Ban Nang một "bảo mẫu" là voi H’Băn (55 tuổi).
H’Băn là con voi đã chăm sóc cho H’Ban Nang khi còn nhỏ. Đến lúc H’Ban Nang trưởng thành thì H’Băn đã "chuyển nhà" sang nơi khác sinh sống, từ đó không còn gặp nhau nữa. Điều khá bất ngờ là ngay khi được gặp lại và ở cùng nhau, cả 2 voi luôn quấn quýt.
Theo anh Y Thiện Niê, việc gần đây 2 con voi không rời nhau nửa bước cho thấy bản năng chia sẻ tình cảm của chúng trước ngày sinh nở.
Thành quả bảo tồn
Ca sinh đầu tiên của voi nhà đầu tiên này nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới. Nó cũng là dấu hiệu hồi sinh cho một biểu tượng của người dân Tây Nguyên mà Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk nỗ lực thực hiện.
Trên thực tế, voi thuần dưỡng ở Đắk Lắk suy giảm nhanh chóng, từ 502 con năm 1980 nay chỉ còn lại 44 con. Trong khoảng 30 năm trở lại đây, tại Đắk Lắk không có voi con nào ra đời khiến nhiều chuyên gia lo ngại loài voi nhà sẽ tuyệt chủng nhanh chóng.
Trước tình hình trên, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk lập đề tài nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng (elephas maximus) tại tỉnh. Đề tài được cấp thẩm quyền phê duyệt, thực hiện từ tháng 7-2016 đến tháng 12-2018. Theo đề tài này, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk xây dựng khu nghiên cứu sinh sản, cho ghép cặp voi giao phối vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 12. Việc theo dõi tập tính và sự tương tác giữa các cá thể voi hay lấy mẫu máu để xác định chu kỳ động dục và thời gian rụng trứng để tiến hành ghép cặp được thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ. Voi H’Ban Nang sắp hạ sinh là thành quả do trung tâm dày công thực hiện.
"Đó là hy vọng về tương lai đàn voi nhà phát triển" - ông Y Mứ Bkrông (chủ voi H’Ban Nang), người gắn bó với loài động vật to lớn này hơn 30 năm qua, bày tỏ.
Bình luận (0)