Tối 19-8 theo giờ Hà Nội (19 giờ Hà Nội - 14 giờ châu Âu) đã diễn ra hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự từ điểm cầu Hà Nội.
Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên Hiệp Quốc (UN) và Quốc hội Áo phối hợp tổ chức. Chủ đề tổng quát của Hội nghị lần này là: Sự lãnh đạo của nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho biết hội nghị được tổ chức 5 năm một lần. Năm nay hội nghị được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Mỗi khía cạnh cuộc sống đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để sử dụng tư duy sắc sảo để hướng tới một đích chung là phục hồi và tái thiết mạnh mẽ hơn, có được tương lai tươi đẹp hơn.
Chủ tịch IPU nhấn mạnh, với hơn 46.000 nghị sĩ trên thế giới, hội nghị lần này lấy ý kiến đóng góp thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xóa bỏ hận thù, là nền tảng cho tương lai. Quốc hội chính là tổ chức bảo vệ quyền con người và cần phải tiếp tục đóng vai trò tiên phong dẫn tới xã hội thịnh vượng, qua đó thúc đẩy các giải pháp hòa bình.
Phát biểu tại phiên thảo luận "Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt coi trọng và ủng hộ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về biến đổi khí hậu của IPU phù hợp với trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, đồng thời ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)