Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Người Lao Động.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ cảm xúc của mình khi tổng thống Mỹ chính thức tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra tại Việt Nam?
- Ông PHẠM QUANG VINH: Tôi làm ngoại giao gần 40 năm, thấy rằng hội nghị thượng đỉnh lần này tạo nên một cảm xúc rất lớn. Một tháng trở lại đây, trên truyền thông thế giới, tôi rất thích câu "Why Vietnam?" (Vì sao Việt Nam?). Nếu như trước đây "Why Vietnam?" được hiểu vì sao có cuộc chiến Việt Nam thì nay là vì sao Việt Nam được chọn cho những sự kiện mang tính lịch sử, rất có ý nghĩa đối với hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới. Các bài báo, các hãng truyền thông lớn trên thế giới từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á đều nói đến điều này và cũng tự họ đã trả lời là "Yes Vietnam", với sự tin cậy, trông đợi và đủ niềm tin Việt Nam sẽ hoàn thành tốt.
Truyền thông đưa tin không chỉ việc Việt Nam có thể đáp ứng được những điều kiện tổ chức, an ninh, hậu cần… đối với những hội nghị cấp cao với sự hiện diện của nhiều người mà còn nói đến vị thế và tính biểu tượng của Việt Nam có thể đóng góp cho những vấn đề khúc mắc của khu vực, trong đó có những vấn đề ở bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, họ cũng nói rất nhiều đến câu chuyện đất nước Việt Nam trong những thập kỷ qua đang vươn lên, hội nhập và đóng góp cho thế giới.
Cá nhân tôi cảm thấy tự tin rất lớn về vị thế Việt Nam. Làm được điều này, trước hết cần có sự phát triển trong nước, đổi mới, hội nhập và tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động quốc tế. Bên cạnh đó là sự tin cậy của thế giới, khu vực, bạn bè, trong trường hợp cụ thể này không chỉ sự tin cậy của hai nước Mỹ, Triều Tiên mà còn có những nước khác. Nhìn rộng ra, những nước không liên quan trực tiếp đến vấn đề này, họ cũng quan tâm và đánh giá rất cao việc Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2. Tôi cảm thấy rất đáng tự hào về nền ngoại giao Việt Nam, tính chủ động, khả năng tiếp cận với thế giới, phát huy được trách nhiệm và những đóng góp của đất nước.
Đâu là lý do quan trọng nhất để Việt Nam được chọn là nơi tổ chức sự kiện quan trọng này?
- Có nhiều yếu tố đã được nhắc đến là về hậu cần, an ninh, khả năng tổ chức, điều kiện địa lý thuận tiện cho hai nước, địa điểm mà các bên trực tiếp liên quan đều yên tâm… Song, tôi cho rằng điểm nhấn lớn nhất là đến Việt Nam, chắc chắn những nước trực tiếp liên quan yên tâm nhiều chiều, kể cả về hậu cần, chính trị, đối ngoại, an ninh...
Du khách nước ngoài tham quan trên phố Lý Thái Tổ - Hà Nội trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bên cạnh đó, việc đổi mới, phát triển, hội nhập của Việt Nam. Việc Việt Nam khép lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ với Mỹ cũng có thể là những kinh nghiệm không chỉ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ mà có lẽ cả Mỹ và Triều Tiên cũng có thể thấy là kinh nghiệm mà họ thích học tập.
Điều lớn hơn ở đây là chúng ta đã có vị thế dân tộc. Đây là nền tảng nhưng để làm được trong thời gian qua còn có sự tin tưởng của bạn bè quốc tế, những nước trực tiếp liên quan. Ngoại giao Việt Nam đã nhân lên được điều đó.
Việc Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức hội nghị lần này có ý nghĩa và tác động như thế nào với vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như đối với nền kinh tế Việt Nam?
- Chưa bao giờ truyền thông thế giới đưa đồng loạt hàng triệu bản tin về một Việt Nam có vị thế quốc tế, đổi mới và phát triển như trong 2 tháng qua. Đó là sự quảng bá rất lớn đối với Việt Nam; đặc biệt, góp mặt trong đó có những hãng truyền thông lớn trên khắp thế giới… Từ đó, tính lan tỏa của truyền thông và nội hàm thông tin vừa là chính trị đối ngoại vừa là quảng bá hình ảnh và vị thế của Việt Nam, lợi ích vượt ra khỏi những gì chúng ta có thể tính được bằng tiền.
Hàng ngàn phóng viên quốc tế đã và đang đến Việt Nam, những đợt thông tin này sẽ còn kéo dài. Những điều người ta biết đến Việt Nam về hội nhập quốc tế, hội nghị thượng đỉnh này cũng như việc phát triển, sẽ là cơ hội để hình ảnh đất nước, con người Việt Nam lan tỏa, thu hút nhiều người đến. Điều lớn nhất chính là hai chữ "Việt Nam" vươn ra tầm thế giới, vừa đổi mới, phát triển vừa là hình ảnh con người, dân tộc Việt Nam, đồng thời là trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Điều này lớn hơn rất nhiều. Với sự tin cậy và sự lan tỏa đó, sắp tới, đầu tư, du lịch hay trao đổi qua lại cũng sẽ tăng lên.
Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả hội nghị này, cụ thể là Tuyên bố Hà Nội?
- Câu chuyện bán đảo Triều Tiên, Mỹ - Triều đã kéo dài mấy thập kỷ với rất nhiều vấn đề. Chưa đầy 1 năm qua, từ tháng 6-2018, họ trao đổi và quyết định có cuộc gặp cấp cao này, chắc chắn các bên liên quan đã phải chuẩn bị rất kỹ. Tôi tin là sẽ có tiến bộ ở nhiều vấn đề khác nhau của bán đảo Triều Tiên: sẽ có nội dung phi hạt nhân hóa, bảo đảm an ninh cho các nước trong khu vực, tái lập hòa bình, hòa giải và tiến tới bình thường hóa quan hệ, nới lỏng bao vây cấm vận để có thể cùng phát triển kinh tế…
Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai bên liên quan. Điều mà tôi trông đợi lớn nhất là Tuyên bố Hà Nội và tôi tin là sẽ có. Chính nó sẽ phản ánh những kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này.
Hà Nội là thành phố vì hòa bình, Thượng đỉnh Mỹ - Triều là một sự kiện hướng tới hòa bình, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa biểu tượng của sự kiện này?
- Hà Nội - Việt Nam, biểu tượng của hòa bình. Bán đảo Triều Tiên cũng rất cần hòa bình. Đó là khát vọng vươn tới trước đây của Việt Nam và bây giờ là của các dân tộc trên bán đảo Triều Tiên và các bên liên quan. Cá nhân tôi muốn nhìn đến một điều rộng lớn hơn, đó là dân tộc Việt Nam. Việt Nam chắc chắn là biểu tượng của hòa bình, biểu tượng mà chúng ta mất ròng rã nhiều thập kỷ, thậm chí cả quá trình lâu dài của lịch sử để hướng tới hòa bình, độc lập, tự chủ.
Nói "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" cần đặt trong lòng dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam đang đổi mới, phát triển, vươn lên, có vị thế quốc tế và được quốc tế đánh giá cao. Hội nghị thượng đỉnh lần này, với rất nhiều khía cạnh khác nhau, yêu cầu cấp bách đầu tiên chắc chắn là hướng tới hòa bình với việc phi hạt nhân hóa, bảo đảm an ninh, khép lại quá khứ chiến tranh… Nhưng còn một điều hết sức quan trọng nữa là khát vọng thịnh vượng, khát vọng hòa đồng, hữu nghị với quốc tế. Có lẽ phải 3 điều sau mới đủ: Hòa bình, phát triển và hữu nghị.
Việt Nam có thể chia sẻ những gì?
Theo nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, những năm qua, Việt Nam đổi mới, không chỉ về kinh tế mà còn về thể chế, đặc biệt là khung pháp luật, tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Do đó, Việt Nam có thể chia sẻ mô hình đổi mới về kinh tế, thể chế, xã hội cho phát triển và hội nhập. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có một quan hệ vốn rất phức tạp, rất đau thương với Mỹ từ cuộc chiến tranh trong quá khứ. Vượt qua những ký ức đau thương đó, hai bên cùng chung tay giải quyết hậu quả chiến tranh, tiến tới bình thường hóa quan hệ và phát triển quan hệ.
Đường tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2
- Ngày 12-6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore, ra tuyên bố chung đặt ra 4 lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, song song với tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
- Tháng 7-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng gặp ông Kim Yong Chol, người được ông Kim Jong-un chỉ định phụ trách các tiếp xúc với phía Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.
- Tháng 9-2018, Ngoại trưởng Pompeo gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cùng xem xét các bước tiếp theo và tiến trình thảo luận giữa chính phủ hai nước.
- Đầu tháng 10-2018, Ngoại trưởng Pompeo tới Bình Nhưỡng, thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong (em gái của ông Kim Jong-un) và ông Kim Yong Chol.
- Tháng 11 và 12-2018, hai bên gặp khó khăn trong đàm phán.
- Cuối tháng 12-2018, thông qua trao đổi thư giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, cuộc đàm phán đã được khởi động lại một cách đầy đủ.
- Tháng 1-2019, trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh lại cam kết về tiến trình phi hạt nhân hóa và ý định tập trung các nguồn lực của mình vào việc hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên.
- Tháng 1-2019, ông Kim Yong Chol đến Washington D.C. trong 2 ngày, họp với Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Pompeo.
- Đầu tháng 2-2019, đoàn công tác do một quan chức cấp cao Mỹ dẫn đầu tới Bình Nhưỡng trong 3 ngày, trong đó có các chuyên gia về tên lửa, hạt nhân, luật quốc tế và một số thành viên đội ngũ đàm phán của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Chủ tịch Kim Jong-un đi tàu bọc thép tới Việt Nam
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24-2 xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lên tàu một ngày trước đó, rời Bình Nhưỡng để tới Việt Nam trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ghi nhận của hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên và phái đoàn tháp tùng đã đến TP Thiên Tân - Trung Quốc vào khoảng 13 giờ ngày 24-2 và không có dấu hiệu đoàn tàu bọc thép sẽ ghé dừng ở Bắc Kinh trước khi tới Việt Nam như suy đoán của một số nhà quan sát chính trị.
Trong khi đó, KCNA cũng xác nhận ngoài kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Donald Trump trong 2 ngày 27 và 28-2, ông Kim Jong-un sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
D.Ngọc - T.Hằng
Bình luận (0)