Dịch bệnh được khống chế là nền tảng quan trọng nhất để cuộc sống phục hồi. Chúng ta ghi nhận hiệu quả của "chiến dịch vắc-xin" cùng những quyết định, chỉ đạo sát sườn của Chính phủ liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
Nền kinh tế phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng tất cả các lĩnh vực khá cao, bao gồm không chỉ sản xuất nông nghiệp mà cả công nghiệp, dịch vụ, chỉ số bán lẻ. Đặc biệt, chỉ số bán lẻ tăng cao đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng tăng, cũng chứng minh các giải pháp kích cầu đã phát huy tác dụng, từ đây thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cùng với đó, các định hướng ưu tiên chiến lược để tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội được Chính phủ xác định khá chính xác. Trong đó, việc tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông chưa khi nào được quan tâm và thúc đẩy mạnh đến vậy với tinh thần "giao thông phải đi trước một bước, giao thông là mạch máu của nền kinh tế". Một loạt chính sách, cơ chế được Thủ tướng ban hành đã dần giúp tháo bỏ rào cản, vướng mắc để giải phóng nguồn lực quan trọng cho lĩnh vực này.
Và, bao trùm hơn cả, quan trọng hơn cả là tinh thần lạc quan của người dân, doanh nghiệp, là bầu không khí hướng tới sự phục hồi.
Tuy thế, thách thức cũng không nhỏ. Với sự bất ổn của thị trường chứng khoán, các giải pháp xử lý như thời gian qua là cần thiết và chúng ta cần chấp nhận trả giá để phục hồi trong dài hạn. Song, cũng cần lưu ý xử lý các vấn đề liên quan đến hiệu ứng ngắn hạn để tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự bất ổn của thị trường bất động sản khi giá đất bị thổi lên quá mức sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế trong bối cảnh cần dồn mọi nguồn lực để hồi phục kinh tế. Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải xoay xở thế nào khi giá đất tăng cao mà mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng nhà máy... đều phải thực hiện trên đất?
Một vấn đề tồn tại lớn khác là sự trì trệ của bộ máy chính quyền. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", từ đây cần nhanh chóng hiện thực hóa, đưa vào cuộc sống để hình thành, xây dựng nên một bộ máy có tính đột phá, dám làm. Nếu còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không ai dám quyết thì doanh nghiệp, người dân sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23-5 được kỳ vọng sẽ bàn thảo và quyết nghị những vấn đề quan trọng của đất nước. Những thông điệp, giải pháp mà Chính phủ đưa ra đều phản ánh nhu cầu thật từ điều hành thực tế, đó đều là những ưu tiên lớn của đất nước. Chính phủ rất cần sự đồng thuận, ủng hộ từ phía các đại biểu Quốc hội bên cạnh sự thẩm định chính xác của các ủy ban của Quốc hội. Ngược lại, Chính phủ cũng cần quan tâm đến tính minh bạch của chính sách và trách nhiệm giải trình của cơ quan chuyên môn.
Bình luận (0)