Kinh thành Huế được xây dựng hoàn thành vào năm 1823 dưới triều Nguyễn với diện tích 520 ha (hiện thuộc địa bàn 4 phường của TP Huế). Theo nhà nghiên cứu - TS Trần Đức Anh Sơn, hệ thống thủy đạo kinh thành Huế gồm 3 lớp, trong đó lớp trong cùng với dòng Ngự Hà làm chủ đạo, chảy ngang giữa lòng kinh thành và liên kết với hơn 40 hồ lớn nhỏ, phân bố hầu khắp, tạo thành một hệ thống thủy đạo liên hoàn.
Giá trị cân bằng môi sinh
TS Trần Đức Anh Sơn cho biết trong các hồ này thì một số hồ được hình thành tự nhiên, có hồ là vết tích cũ những con sông, có hồ do triều Nguyễn cho đào với nhiều mục đích khác nhau. Có những hồ được xem là di tích lịch sử, cảnh quan văn hóa như hồ Tịnh Tâm, Học Hải, Xã Tắc... Có hồ là nơi cung cấp nguồn nước cho sản xuất, trở thành ao cá, ruộng rau… "Có 2 chức năng cơ bản nhất mà tất cả các hồ đều đảm nhiệm, đó là cân bằng môi trường sinh thái và điều tiết tiêu thoát nước bên trong kinh thành" - TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định.
Hồ Xã Tắc là khu vực I của di tích đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa), thuộc quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Hồ này được sách "Đại Nam nhất thống chí" mô tả có hình vuông, được đào vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long, cùng thời gian xây dựng đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, nay hồ có hình chữ nhật, dài 182 m, rộng 80 m, sâu 5 m; quanh hồ được đắp bờ khá cao, kè bằng đá tổ ong và đá gan gà dày khoảng 0,8 m.
Ông Ngô Văn Sơn, một người dân sống đối diện hồ Cây Mưng ở đường Ngô Đức Kế, phường Thuận Lộc, cho biết sở dĩ hồ này có tên như vậy vì xung quanh có nhiều cây mưng cổ thụ từ xưa đến nay. Theo ông Sơn, hồ này đã có từ lâu; có thời điểm người dân trồng lúa, hoa màu trên hồ để cải thiện đời sống; về sau bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, nước hồ tù đọng, nhiều nhà dân đấu nối đường ống xả thải vào nên ô nhiễm nặng.
Ông Nguyễn Đình Thăng, sinh ra và lớn lên ngay hồ Phong Trạch, phường Thuận Hòa, khẳng định rằng hồ Phong Trạch tuy nhỏ, khoảng 0,44 ha nhưng có giá trị lớn đối với người dân nơi đây. "Khu vực nội thành xưa nay được biết đến là địa bàn thấp trũng, ngập lụt nên hồ này có ý nghĩa rất lớn đối với dân cư xung quanh. Đó là bể chứa nước thiên nhiên, giảm thiểu ngập lụt cũng như điều hòa khí hậu" - ông Thăng nói.
Hồ Xã Tắc đang chờ phê duyệt để tiến hành nâng cấp, cải tạo
Hồ Tịnh Tâm sau cải tạo đã hút khách đến “check in”
Hồ chứa Cây Mưng (ảnh trên) và hồ Phong Trạch đang được cải tạo
Làm sống lại cảnh quan, phát triển du lịch
Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư CSDP II dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết bên cạnh một số hồ đã được kè bờ, có nhiều hồ chưa được kè và nạo vét. "Do các hồ nhiều năm nay chưa được nạo vét khiến lớp, tầng phủ dày tích tụ gây ô nhiễm môi trường, giảm khả năng tích trữ nước của hồ, từ đó làm giảm chức năng tự làm sạch của nó".
Mặt khác, những năm gần đây, do lượng phương tiện đi lại trên đường ven các hồ gia tăng mật độ cũng như tải trọng xe cùng với những tác động của sóng gió trong hồ gây nên sạt lở bờ hồ. Có những vị trí bờ hồ sạt lở đến sát mép đường xe cộ lưu thông, đe dọa đến an toàn tính mạng và phương tiện của người qua lại; gây mất cảnh quan.
Với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II - tiểu dự án Thừa Thiên - Huế đang triển khai, tiến hành nạo vét, chỉnh trang, xây dựng kè cứng chống sạt lở hồ Sen, hồ Xã Tắc, hồ Phong Trạch, hồ Tiền Bảo, hồ Hữu Bảo, hồ Vuông; dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Những hồ này sẽ được xây kè bậc thang nhiều tầng kết hợp điểm ngồi vọng cảnh; kè bậc thang nhiều tầng xếp rọ đá kết hợp lọc nước; kè mái nghiêng xếp đá khan kết hợp giâm cành xen kẽ bằng các loại cây bụi thủy sinh bán ngập.
Đường xung quanh hồ được xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh; bố trí các dụng cụ thiết yếu như ghế đá, dụng cụ tập thể dục trên vỉa hè xung quanh hồ; chỉnh trang các cửa xả nước mưa ra hồ và bố trí các cửa thu nước mặt đường chảy trực tiếp ra hồ; lắp đặt ống thu gom nước thải nhà dân, đấu nối với đường ống thoát nước mưa; đồng thời, bổ sung các máy bơm trao đổi ôxy và trồng cây thủy sinh là dương xỉ và thủy trúc.
Theo ông Võ Văn Việt, sau khi được nạo vét, chỉnh trang, các hồ sẽ giúp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giảm thiểu bệnh tật do ngập lụt gây ra, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; bên cạnh đó là tạo cảnh quan cho bờ sông, góp phần phát triển TP Huế theo hướng đô thị xanh.
Ông Nguyễn Đình Mười, hướng dẫn viên du lịch tại Huế, tin tưởng rằng việc các ao hồ ở thành nội được chỉnh trang, nạo vét, trong đó có xây dựng các vọng cảnh để tạo điểm dừng chân, ngắm cảnh là sản phẩm phụ bổ trợ cho các di tích Huế thu hút du khách. "Du khách nào đến Huế cũng ghé Đại nội Huế tham quan nhưng sau khi đến điểm di tích này thì chẳng biết đi đâu nữa. Ở thành nội có những con đường đẹp với những hàng cổ thụ nên sẽ rất thú vị khi đưa du khách lang thang trên những con đường này, điểm đến là các ao hồ để ngắm cảnh, nghỉ ngơi" - ông Mười nói.
Tạo sản phẩm mới cho Huế
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP Huế, cho biết hiện nay Huế đang đẩy mạnh chỉnh trang đồng bộ các phường nội thành, gồm cả thoát nước, đường, hệ thống ao, hồ... Sau khi các dự án này hoàn thành sẽ tạo ra sự khang trang, sạch đẹp cho thành phố, thêm nhiều điểm đến cho du khách. Cùng với mô hình xe đạp đang triển khai, hy vọng sự hồi sinh của hệ thống ao, hồ sẽ tạo ra những nét đặc sắc, mới lạ cho du lịch Huế trong thời gian tới.
Bình luận (0)