Cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, người ta nghĩ ngay đến những con kênh ô nhiễm với màu nước đen đặc, đầy rác và hôi thối. Nhiều người có nằm mơ cũng không tin rằng những con kênh chết lại có ngày được hồi sinh một cách ngoạn mục như thế.
Như sống cuộc đời thứ hai
Chọn TP HCM làm quê hương thứ hai, mỗi ngày chứng kiến dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang hồi sinh khiến ông Nguyễn Văn Bảo (62 tuổi đường Lò Gốm, phường 7, quận 6) rưng rưng cảm xúc. Năm 1978, từ miền Bắc, ông Bảo vào TP HCM lập nghiệp, mua được căn nhà nhỏ trên đường Trường Chinh. Đến năm 1992, đường Trường Chinh mở rộng, nhà ông bị giải tỏa, cầm hơn 1 cây vàng tiền đền bù, gia đình ông phải chọn mua căn nhà bên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Cũng giống như hàng trăm căn nhà lụp xụp bên bờ kênh, căn nhà của ông dựng bằng lá dừa và tôn cũ, điện phải câu nhờ hàng xóm, nước thì nửa đêm phải xếp hàng hứng từng can, không có cống thoát nước, mỗi nhà phải đào hầm tự tiêu, mùa mưa nước không tiêu nổi, trào ngược ra, phải lấy máy bơm đổ ra kênh.
Người dân tập thể dục dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Rồi chính quyền TP quyết tâm cải tạo dòng kênh, hàng ngàn căn nhà ổ chuột được giải tỏa, dòng nước kênh giảm mùi hôi thối, con đường dọc 2 bờ kênh mở rộng ra, nhà chúng tôi trở thành nhà mặt tiền. Mỗi ngày mở toang cửa, được hít thở không khí mát rượi, những bất tiện về điện, nước không còn, cuộc sống tươi vui, thoải mái hơn. Nhờ an cư nên lạc nghiệp, chõ xôi của vợ chồng tôi đắt hàng mỗi sớm mai, 2 đứa con vừa tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Chúng tôi như sống cuộc đời thứ hai" - ông Bảo cười tươi cho biết.
Đi dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, từ quận Tân Phú đến quận 6, chứng kiến sự đổi thay mỗi ngày của cư dân sống đôi bờ, chúng tôi mới thấm thía câu chuyện ông Bảo chia sẻ. Gia đình bà Mai Thị Ngọc Nữ (69 tuổi; 955/72/4 Hồng Bàng, phường12, quận 6) 4 đời sống trên con kênh nước đen, gần nửa thế kỷ chịu đựng cảnh ô nhiễm, rác rưới, chuột bọ dưới dòng kênh. Gia đình bà không thể nào quên ngày công trình cắt băng khánh thành, mọi người vui hơn Tết. "Dù đã 4 năm trôi qua, nhắc lại tôi còn nổi da gà. Chúng tôi như sống cuộc đời thứ hai, không còn cảnh tù túng, ẩm thấp trong căn nhà lá lụp sụp bên bờ kênh đen. Nhà tôi ra mặt tiền, giá đất tăng vùn vụt, có mơ cũng không tin là giá căn nhà cấp 4 lên gần 10 tỉ đồng" - bà Ngọc Nữ cười tít mắt khoe.
Hai thập kỷ trả lại nét đặc trưng của TP
Chứng kiến sự lột xác ngoạn mục của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ 5 năm nay nhưng ký ức đẹp đẽ về con kênh này với bà Nguyễn Thị Hoa (83 tuổi, quận Phú Nhuận) vẫn tuôn trào mỗi khi nhắc lại. Không biết bao lần bà Hoa kể cho con cháu nghe tuổi thơ của bà bên dòng kênh Nhiêu Lộc nhưng dù kể cả trăm lần thì nó vẫn cứ mới.
Chỉ tay về phía bờ kè, bà Hoa khoe nhà bà trước đây nằm ngay đoạn kè này, sát nhà có mấy gốc dừa rất sai trái. "Những năm đầu thế kỷ XX, nước kênh còn trong lắm, dọc kênh có mấy hàng dừa, chiều chiều, lũ trẻ chúng tôi nhảy xuống tắm rồi lấy rổ xúc cá, có khi lội hái rau muống về luộc ăn. Nhưng lượng người về TP đông hơn, đến những năm 1960, dòng nước dưới kênh bắt đầu đen do bao nhiêu thứ không xài, người ta vứt hết xuống kênh. Chứng kiến con kênh chết dần mỗi ngày, chúng tôi xót xa lắm nhưng không còn cách nào khác là phải thích nghi. Ban đầu ngửi mùi hôi chịu không nổi nhưng từ từ mũi cũng quen" - bà Hoa bồi hồi kể lại.
Con rạch thiên nhiên lâu đời, đặc trưng của Sài Gòn - Gia Định xưa trở thành nỗi ám ảnh của khách qua đường bởi mùi hôi xộc lên tận mũi. Trăn trở cảnh sống khốn khó của người dân, sau khi được HĐND TP thông qua, đại công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thực hiện. Các địa phương như quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh được giao "định mức" di dời, tái định cư cho người dân ở trên và bên kênh trong giai đoạn đầy khó khăn và nhạy cảm vì dự án tác động trực tiếp gần 11.500 hộ dân và gián tiếp hơn 1 triệu người. Dự án bắt đầu từ năm 1993 qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1993-1998 cải tạo, chỉnh trang đô thị dọc kênh; từ năm 2002-2020 cải tạo, vệ sinh môi trường.
Hai thập kỷ cho một công trình với bao mồ hôi, công sức và tâm huyết của lãnh đạo TP HCM, đội ngũ kỹ sư, công nhân, cán bộ bồi thường giải phóng mặt bằng… đã trả lại dòng kênh thông thoáng, không còn mùi hôi, cá có thể sinh sôi, đúng chất con rạch trong ký ức xưa những năm đầu thế kỷ XX.
Ngày nay, chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khách không chỉ xuýt xoa trước vẻ đẹp thơ mộng của cảnh quan dọc hai bờ kênh mà còn cảm nhận làn gió mát từ con kênh thổi lên. Người dân tản bộ dọc bờ kênh hóng mát, tập thể dục. Những dịp lễ, Tết người dân TP còn được xem lễ hội đua thuyền. Chiều chiều, mấy chiếc thuyền của công ty du lịch chầm chậm đưa khách tham quan dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vừa uống trà vừa nghe vọng cổ.
Dòng kênh đặc trưng của Sài Gòn - Gia Định xưa nay được khoác áo mới, tô điểm cho TP thêm tươi đẹp.
Sống lại "đại lộ Tàu Hũ"
Đối diện những cao ốc, chung cư cao cấp, nhà hàng sang trọng trên đại lộ Võ Văn Kiệt là con kênh Tàu Hũ - Bến Nghé thoáng đãng, xanh mát. Nhớ lại ký ức về dòng kênh, ông Sáu Thành (75 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, hơn 40 năm sống đời thương hồ) bồi hồi kể: "Tất cả là nhờ dự án cải tạo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé mà chính quyền TP thực hiện trong 10 năm ròng. Không có dự án này, tôi đố ai đi ngang dòng kênh mà không nín thở. Thuyền ghe qua lại rất khó khăn, chạy vài chục phút, chủ ghe phải tắt máy gỡ rác vướng ở chân vịt. Giờ thì mọi sự đã thay đổi, thuyền ghe qua lại tấp nập, hồi sinh một địa danh mà người xưa đã đặt cho dòng kênh này là "đại lộ Tàu Hũ", nơi tấp nập xuồng ghe giao thương lúa gạo, trái cây, gạch gốm từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ đổ về".
Bình luận (0)