TP HCM hiện có nhiều dự án không đạt tiến độ như mong đợi ban đầu với nguyên nhân là vướng thủ tục, mặt bằng, thiếu vốn... Để thúc đẩy các dự án sớm hoàn thành, tại kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) mới đây, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết đồng ý chủ trương đầu tư một số dự án, bổ sung vốn cho một số dự án.
Thêm vốn, gỡ thủ tục
Đầu năm 2018, cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) ở cửa ngõ Tây Nam khởi công theo hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư hơn 312 tỉ đồng. Cầu dài hơn 80 m cùng đoạn đường dẫn 145 m được xây để thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Tuy nhiên, do chưa hoàn tất khâu bồi thường giải phóng mặt bằng nên công trình phải tạm ngưng thi công từ tháng 12-2018. Thành phố sau đó dừng hợp đồng BOT với nhà đầu tư để chuyển sang hình thức đầu tư công.
Dự án phải dừng gần 4 năm, đến tháng 10-2022, tại kỳ họp trên, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý. Đây là dự án nhóm B với tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025, mục tiêu là hoàn thiện các hạng mục đã đầu tư và xây dựng các hạng mục còn lại. Đồng thời, chỉnh trang đô thị, mở rộng nền mặt đường đoạn từ đường Mã Lò đến Quốc lộ 1A bảo đảm các phương tiện lưu thông thông thoáng và an toàn.
Nơi dự kiến thi công cầu Tân Kỳ Tân Quý. Sau khi công trình hoàn thành, diện mạo khu vực sẽ đổi thay tích cực. Ảnh: ANH VŨ
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết cho tăng tổng mức đầu tư đối với 2 dự án chậm tiến độ ở huyện Cần Giờ. Đó là dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Cá Cháy, xã An Thới Đông, tăng từ 100 tỉ đồng lên 112 tỉ đồng, lùi thời gian hoàn thành vào năm 2023. Thứ hai là dự án xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, vốn tăng từ gần 114 tỉ đồng lên 121 tỉ đồng, lùi thời gian hoàn thành vào năm 2023.
Hơn 6.000 tỉ đồng cho 16 dự án
Trước đó, ở kỳ họp thứ 6 (tháng 7 cùng năm), HĐND TP HCM đồng ý tăng vốn cho 16 dự án kéo dài nhiều năm với tổng kinh phí hơn 6.000 tỉ đồng. Trong đó, nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư gấp đôi, gấp ba, gấp tư so với tổng mức đầu tư ban đầu. Có thể kể như dự án xây dựng cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ hơn 450 tỉ đồng lên hơn 688 tỉ đồng, thời gian thực hiện thay vì giai đoạn 2017 - 2019 thì được kéo dài đến năm 2024. Việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án được cho là phù hợp với tiến độ hiện nay và để sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) tăng tổng mức đầu tư từ hơn 425 tỉ đồng lên hơn 763 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án chuyển từ giai đoạn 2016 - 2018 thành 2016 - 2025. UBND TP HCM cho hay dự án này có tổng mức đầu tư tăng do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (hệ thống cáp, điện, truyền dẫn nước). Việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhằm bố trí sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án xây dựng cầu Phước Long (quận 7, huyện Nhà Bè) tăng tổng vốn đầu tư từ hơn 397 tỉ đồng lên 748 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án thay đổi từ giai đoạn 2016 - 2019 thành 2016 - 2025. Cây cầu này cũng điều chỉnh quy mô từ 380 m x 10,5 m thành 359,4 m x 10,5 m.
Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) tăng vốn đầu tư từ hơn 1.998 tỉ đồng lên hơn 3.600 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án thay đổi từ giai đoạn 2016 - 2021 thành 2015 - 2025. Dự án chuyển từ nhóm B thành nhóm A. Đồng thời, dự án được kiến nghị chia làm 2 dự án thành phần gồm công tác đầu tư xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn Hóa, quận Gò Vấp) được HĐND TP HCM chấp thuận tăng tổng mức đầu tư từ hơn 667 tỉ đồng lên hơn 2.300 tỉ đồng. Thời gian thực hiện thay đổi từ giai đoạn 2019 - 2021 thành 2019 - 2025; quy mô dự án này từ 2.400 m x 40 m thành 2.455 m x 32 m, đồng thời chuyển từ dự án nhóm B sang nhóm A. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án này cũng xuất phát từ những vấn đề trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn vốn…
Những động thái thúc đẩy tiến độ các dự án như trên chính là những quyết sách mạnh mẽ, kịp thời. Người dân tin tưởng những công trình khi được thổi thêm nguồn sinh khí sẽ nhanh chóng hoàn thành và sớm chứng minh hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Dân đi lại dễ dàng, địa phương phát triển
Ngụ trên đường Tân Kỳ Tân Quý, ông Lê Văn Lợi (64 tuổi) nói cây cầu Tân Kỳ Tân Quý là giấc mơ của người dân nơi đây vì giải quyết rất lớn nhu cầu đi lại. Ông khẳng định sẽ bàn giao mặt bằng để xây cầu khi được bồi thường thỏa đáng.
Cũng theo ông Lợi, hiện mặt đường khu vực này rất nhếch nhác, nếu cây cầu được đưa vào khai thác thì nơi đây sẽ "lột xác" hoàn toàn. "Khi cầu hoàn thành, công việc kinh doanh của gia đình sẽ vất vả hơn nhưng công trình này là nguyện vọng của người dân khu vực thì tôi sá gì những khó khăn cá nhân. Tôi mong cầu sớm xong để người dân đi lại dễ dàng, địa phương cũng nhờ đó mà phát triển" - ông Lợi nói.
Bình luận (0)