Sáng 28-9, thông tin từ UBND huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết do mưa lớn kéo dài cùng với việc các nhà mày thủy điện như Nhan Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông xã lũ với lưu lượng 2.000 - 2.500 m3/giây đã gây ngập lụt diện rộng trên toàn địa bàn huyện Quỳ Châu.
Người dân huyện Quỳ Châu trèo lên nóc nhà khi nước lũ đổ về. Ảnh: Q. Châu
Theo báo cáo nhanh, đến 19 giờ 30 ngày 27-9, mưa lớn kéo dài cùng với thủy điện xả lũ đã khiến 1.210 nhà/30 khối bản bị ngập sâu từ 1-5 m, hơn 5.000 người phải di dời, sơ tán. Một người dân bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến (ông L.V.K.) đang mất liên lạc.
Về giao thông, quốc lộ 48 đoạn qua huyện Quỳ Châu bị chia cắt 8 điểm, tỉnh lộ 544 sạt lở tại 3 điểm, chưa thể thông xe, quốc lộ 48D cũng bị sạt lở 8 điểm. Ngoài ra, nhiều tuyến đường huyện, xã và đường dân sinh trên địa phương cũng bị sạt lở, ngập nước.
Mưa lũ cũng làm đổ gãy 40 cột điện hạ thế, 5 cột trung thế, 3 trạm biến áp; 22 trạm biến áp bị mất sóng.
Về nông nghiệp, khoảng 545 ha lúa hè thu bị ngập, 110 ha mía, 10 ha sắn, 5 ha cây lâu năm bị ảnh hưởng nặng nề; 56,22ha ao hồ, 6 lồng cá, gần 1.500 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Mưa lớn cùng với việc các thủy điện đồng loạt xả khiến nước sông dâng cao.
Mưa lớn còn khiến 35/35 trường với 14.906 học sinh phải nghỉ học, trong đó có hơn 100 học sinh trường THPT Quỳ Châu ở trọ nội trú trong các hộ dân bị mất hết sách, tư trang học tập.
Có 7 điểm trường thuộc các xã Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Thắng, Diên Lãm... bị ngập sâu trong nước. Ngoài ra, mưa lớn còn khiến các trạm y tế gồm: Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hội và Châu Bình bị ngập sâu.
Nhiều nhà dân, trường học ở huyện Quỳ Châu bị nhấn chìm trong nước lũ.
"Bước đầu, ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng, dù chưa thống kê hết thiệt hại tài sản của nhân dân và các công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện…" - báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu nêu rõ.
Hiện, UBND huyện Quỳ Châu đang chỉ đạo UBND các xã, thị trấn Tân Lạc huy động các lực lượng, phương tiện 4 tại chỗ hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Khi nước rút phân công cán bộ phụ trách theo từng vùng, từng xã, theo nhiệm vụ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Nước rút đến đâu tiến hành xử lý, vệ sinh môi trường đến đó. Kịp thời cứu hộ, cứu nạn, cứu đói, lo nguồn nước sạch cho người dân những vùng bị ảnh hưởng…
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều 27-9, Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp kiểm tra tình hình ngập lụt và chỉ đạo các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Quỳ Châu huy động tất các lực lượng, phương tiện hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại cụ thể để báo cáo có biện pháp khắc phục, kịp thời hỗ trợ để người dân không phải chịu cảnh đói rét.
2.430 nhà dân bị ngập, cô lập
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An từ ngày 26 đến 28-9, mưa lớn, nước dâng nhanh đã khiến khiến 1.600 nhà dân ở các huyện gồm: Quế Phong, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Quỳ Châu, Thanh Chương, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa bị ngập…, 830 nhà bị cô lập.
Mưa lớn còn khiến 1.503 ha lúa bị nhấn chìm, 3.050 ha hoa màu chịu thiệt hại nặng nề, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hơn 660 ha ao hồ bị ngập, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông.
Bình luận (0)