xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hơn 200 người chết, thiệt hại khoảng 20.000 tỉ đồng do thiên tai

Văn Duẩn

(NLĐO)- Dù đã có nhiều nỗ lực giảm thiệt hại về người và tài sản nhưng năm 2018, thiên tai vẫn khiến 224 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng

Hơn 200 người chết, thiệt hại khoảng 20.000 tỉ đồng do thiên tai - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Sáng nay 20-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Hội nghị diễn ra trước thềm mùa mưa bão, thường bắt đầu vào tháng 7-2019, với dự báo có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố; 577 các huyện, quận, 664 xã với tổng số đại biểu là 28.571 người.

Hơn 200 người chết, thiệt hại khoảng 20.000 tỉ đồng do thiên tai - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Hội nghị tổng kết với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ nhằm đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2018, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 trong đó cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020; giảm thiệt hại về người do thiên tai, đặc biệt là đối với bão, lũ và lũ quét, sạt lở đất; giảm thiệt hại về vật chất, nhất là trong lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi thiên tai, tác động lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Hơn 200 người chết, thiệt hại khoảng 20.000 tỉ đồng do thiên tai - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh theo nhận định của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 10 nước bị thiên tai đe dọa lớn nhất. Vì vậy, nếu không chủ động phòng chống thì thiệt hại sẽ lớn.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc hạn chế thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng cho rằng cần khắc phục một số tồn tại như: Thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Năm nào, cũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù đã rất cố gắng, có nhiều tiến bộ nhưng năng lực quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.

Việc phòng ngừa thiên tai còn chưa được quan tâm đúng mức trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều ngành, nhiều địa phương, dẫn đến những hệ lụy làm gia tăng rủi ro thiên tai như bố trí dân cư vào vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét; xây dựng công trình giao thông chưa phù hợp cản lũ; xây dựng, công trình không tính đến an toàn cho dân cư.

Từ đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm chỉ đạo đối với công tác phòng chống thiên tai là cần "xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai" theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai. Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

Thứ hai, rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.

Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để bảo đảm kịp thời hơn, chính xác hơn. Bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn.

Thứ năm, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng: Đê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác.

Thứ sáu, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có việc đầu tư nâng cấp công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định phòng chống thiên tai được kịp thời, chính xác, xây dựng trung tâm điều hành phòng chống thiên tai quốc gia.

Thứ bảy, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động.

Thứ tám, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển,…

Thứ chín, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích năm 2018 (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỉ đồng). Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỉ đồng.

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mùa bão năm 2019 trên khu vực biển Đông có xu hướng hoạt động muộn và ít hơn so với trung bình nhiều năm với khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Từ tháng 6 đến tháng 8-2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Mùa khô 2019 ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 9-2019, nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung, Nam Trung Bộ. Trong mùa lũ 2019, dự báo đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long sẽ thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo