Ngày 26-5, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã tiến hành dời xà cừ cổ thụ số 59 trên đường Lê Duẩn (đoạn trước khu vực di tích Nghinh Lương Đình) đến Công viên Phú Xuân 2 dọc bờ sông Hương.
Việc di dời cây xà cừ này phải điều động 3 xe chuyên dụng, trong đó có một xe cẩu loại lớn, 15 công nhân và họ phải làm việc khá khoa học, cẩn thận trong nhiều giờ.
Đến đầu giờ chiều nay, cây xà cừ này mới được đào bới hoàn tất, cẩu lên và vận chuyển đến vị trí trồng mới cách đó chừng 150 m.
Sử dụng xe cẩu lớn cố định cây xà cừ để đào bới
Cây xà cừ cổ thụ được di dời lần này có tuổi đời gần 150 năm với đường kính trên 1 mét. Chiều cao của thân cây còn lại chưa tới 20 m do trước đó bị cắt vì sợ ngã đổ.
Cây nghiêng ra giữa lòng đường Lê Duẩn.
Trả lời câu hỏi vì sao việc di dời cây cổ thụ lại phải tiến hành vào mùa hè, khi thời tiết không thuận lợi cho việc trồng cây, ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (Thừa Thiên - Huế), cho biết cây xà cừ này trồng trên vỉa hè, đã bị nghiêng ra lòng đường Lê Duẩn nên dễ đổ ngã.
Việc sử dụng hệ thống chống giữ cũng không khả thi vì cản trở phương tiện lưu thông, nguy hiểm cho người đi đường. Vì vậy, việc di dời cây xà cừ này phải tiến hành ngay để đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn cây cổ thụ cho hệ thống cây xanh đường phố Huế.
Dùng máy múc để đào lớp đất trên mặt.
Sau đó, công nhân đào thủ công, tiến hành cắt bớt một số rễ lớn.
"Cây xà cừ này có rễ cám khá nhiều, vị trí trồng mới cũng khá mát vì xung quanh có nhiều cây lớn. Chúng tôi sử dụng vải bó ở thân cây để giữ nước, thực hiện kỹ thuật chăm sóc đặc biệt nên khả năng sống, phát triển cũng không có gì khó khăn" – ông Chinh cho biết thêm.
Trước đó, vào năm 2020, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã di dời và cứu sống thành công xà cừ cổ thụ số 13 cạnh cây số 59, bị bão làm gãy đổ.
Phải sử dụng xe máy chuyên dùng.
Xe múc đào sâu xung quanh gốc cây xà cừ.
Phương tiện và nhiều công nhân được huy động để đào bới, di dời cây xà cừ.
Bình luận (0)