Trước khi nói về mức xử phạt, thử nhìn lại các con số liên quan đến rượu, bia. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2018, Việt Nam tiêu thụ khoảng 4,2 tỉ lít bia (chưa tính đến rượu) đứng thứ 3 châu Á. Quy ra tiền thì mỗi năm chi cho bia, rượu khoảng 168.000 tỉ đồng; chi giải quyết hậu quả do rượu bia như bệnh tật, tai nạn... thêm khoảng 78.000 tỉ đồng nữa. Nguy hại hơn, tốc độ tiêu thụ tại Việt Nam lại đứng đầu thế giới, hơn 5%/năm.
Có nghĩa số người uống rượu, bia tiếp tục tăng và lượng tiêu thụ ngày càng nghiêm trọng. Quốc gia còn nghèo, cuộc sống người dân chưa phải là cao nhưng chi một số tiền khổng lồ như thế cho các cơn say và quyết hậu quả của nó thì quả là đáng sợ.
Lái xe đầu tiên bị xử phạt 35 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Cục CSGT
Trong năm 2019 cả nước xảy ra hơn 17.600 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 7.600 người, bị thương hơn 13.600 người. Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia xác nhận có khoảng 40% số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia. Hậu quả trực tiếp, thảm khốc do say xỉn lao xe ra đường là không thể chối cãi và đang ngày ngày gieo rắc đau thương cho nhiều gia đình.
Có tận mắt chứng kiến các vụ tai nạn, nhìn thấy người tử thương vì TNGT mới hình dung được sự tang thương mà bia rượu gây ra. Thử đến Trung tâm chấn thương chỉnh hình TP HCM hoặc Bệnh viện Chợ Rẫy thì sẽ thấy thảm khốc mức nào: mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm ca bị tai nạn mà do say xỉn chạy xe gây ra. Nhiều người hấp hối nhưng không thể gây mê phẫu thuật bởi vẫn còn say xỉn. Có người bị thương nhưng cứ la hét đập phá do say. Tự uống gây hại bản thân đã đành, nhiều ma men còn gây tai nạn làm chết người khác. Nước mắt tức tưởi cứ tràn, bi kịch gia đình cứ diễn ra nhưng rượu, bia cứ tràn ngập mỗi ngày và tăng dần theo thời gian.
Nhìn những số liệu trên chúng ta mới có thể thấy quy định xử phạt người uống rượu lái xe là đúng đắn đến đâu, mức xử phạt cao hay thấp. Nhìn vào túi tiền có người nói mức phạt rất cao, nhưng nhìn vào những nạn nhân do bia rượu gây ra thì có bao nhiêu tiền cũng là thấp.
Nhưng xử phạt nặng cũng không thể ngăn chặn được hiểm họa khi các quy định khác mang tính căn cơ hơn bị bỏ qua. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua quy định rất rõ các hành vi vi phạm. Đơn cử việc cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; bán rượu phải có giấy phép... không được kiểm soát kỹ.
Mức phạt của Mỹ, Úc, Anh lái xe sau khi uống rượu rất nặng, bị tước bằng lái 2 năm và thậm chí phạt tù. Bởi vậy, một trong những khuyến cáo quan trọng của người Việt ở nước ngoài chính là tuyệt đối không lái xe sau khi uống rượu, bia. Khi bị tước bằng lái sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công việc và tái phạm sẽ có nguy cơ mất việc, bị cơ quan công lực giám sát.
Tác hại của rượu, bia là quá rõ. Không thể biện minh cho việc các ma men gây nguy hiểm cho mình và gây họa cho người khác. Lượng tiêu thụ rượu, bia tăng hằng năm; người uống rượu, bia ngày càng trẻ sẽ là mối nguy hiểm ngày càng lớn cho quốc gia.
Bình luận (0)