Theo đánh giá của Bộ Công Thương, TP Hải Phòng có lợi thế lớn về hạ tầng cảng biển, cảng cá, kho hàng, bến bãi phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, với 14 khu công nghiệp (KCN), trong đó một số KCN được xây dựng dựa trên nền tảng logistics (dịch vụ hậu cần) đã tăng tính kết nối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Nhiều lợi thế, đầy quyết tâm
Trong những năm qua, TP Hải Phòng đã tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hệ thống giao thông kết nối được cải thiện, đồng bộ hơn. Nhiều dự án trung tâm logistics cũng được hình thành và cấp phép đầu tư trong KCN, khu kinh tế (KKT) trên địa bàn TP Hải Phòng như: trung tâm logistics kiểu mẫu do Công ty TNHH KM Cargo Services Hải Phòng đầu tư, tổng vốn 34,8 tỉ đồng; dự án trung tâm logistics ECPVN Hải Phòng 1 với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD; dự án JD Property Logistics Park Hai Phong 1 tại khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ với tổng vốn đầu tư 32 triệu USD... đã mở ra cơ hội mới cho ngành dịch vụ logistics tại Hải Phòng.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cho biết năm 2022, các ngành dịch vụ truyền thống, có lợi thế như cảng biển, dịch vụ logistics đã có những bước phát triển mạnh mẽ; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đạt khoảng 20%-23%/năm; tỉ trọng đóng góp vào GRDP thành phố đạt từ 13%-15%.
TP Hải Phòng có nhiều lợi thế để trở thành một trung tâm logistics quốc tế
Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh, chiếm thị phần lớn trong hệ thống cảng biển của cả nước. Hạ tầng cảng biển được nâng cấp và đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hệ thống giao thông kết nối được cải thiện, đồng bộ hơn.
"Thành phố cũng đang đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng và khởi công các bến tiếp theo, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ lớn và hiện đại, xứng đáng là một trọng điểm kinh tế của cả nước, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và tham gia vào chuỗi các cảng biển quốc tế và khu vực" - Bí thư Thành ủy Hải Phòng thông tin.
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định "đến năm 2025, xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia" và "đến năm 2030, TP Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao".
Theo ông Trần Lưu Quang, để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics; tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng.
Tập trung đột phá nguồn nhân lực
Ông Đan Đức Hiệp - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập - cho hay địa bàn TP Hải Phòng hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó chỉ khoảng trên 100 DN quy mô vừa và hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics.
Từ thực tế hoạt động logistics tại Hải Phòng, vẫn còn tồn tại những hạn chế như: phần lớn sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng tiếp tục được lưu chuyển bằng đường bộ, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông; phương thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy nội địa còn yếu; doanh nghiệp logistics trên địa bàn tuy đông về số lượng nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chiếm thị phần thấp.
Cùng với đó là bài toán thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Nguồn nhân lực logistics tại các DN logistics và sản xuất của Hải Phòng luôn trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là nhân viên kinh doanh logistics, nhân viên công nghệ thông tin logistics và điều phối khai thác vận tải, kho hàng. Đồng thời, hầu hết lao động của các DN đều thiếu hụt kiến thức và kỹ năng logistics. Đây sẽ là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành trong giai đoạn tới.
Theo dự báo, đến năm 2025, TP Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; năm 2030, con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TP Hải Phòng chỉ có Trường ĐH Hàng hải Việt Nam đào tạo được khoảng 300 cử nhân chuyên ngành logistics mỗi năm với khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành liên quan như: kinh tế vận tải biển, kinh tế vận tải thủy...
Trung tâm Đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam cũng có khóa đào tạo ngắn hạn, có cấp chứng chỉ trong nhiều lĩnh vực logistics nhưng số lượng học viên được đào tạo và trình độ sau đào tạo vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này tại Hải Phòng.
Có thể thấy nguồn nhân lực logistics của Việt Nam nói chung và TP Hải Phòng nói riêng sẽ vẫn thiếu cả về chất lượng và số lượng trong nhiều năm tới khi hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%-45% nhu cầu của ngành.
"Hải Phòng đã và đang đưa ra những chính sách, giải pháp đột phá, nắm bắt những ý tưởng mới nhằm phát huy hơn nữa lợi thế, nâng cao vai trò của dịch vụ logistics trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tăng cường kết nối và tạo sự lan tỏa trong khu vực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho ngành này hiện vẫn còn khiêm tốn, cần có chiến lược phát triển bền vững" - ông Đan Đức Hiệp bày tỏ.
Bình luận (0)