Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM), 200 đơn vị vận tải đang hoạt động, trong đó vào dịp Tết 2019, 96 đơn vị đang ủy thác vé cho bến xe bán ra, 92 đơn vị tự bán và 11 doanh nghiệp (DN) vừa tự bán vừa ủy thác.
Không để thiếu xe
Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông, tính đến ngày 24-1, bến vẫn còn hơn 308.000 vé xe Tết, trong đó khoảng 93.000 vé giường nằm. Tuy nhiên, theo ghi nhận vào ngày 25-1, nhiều hành khách cho biết như đang "ngồi trên lửa" do không mua được vé, đặc biệt là các tuyến về miền Trung. Qua khảo sát, lượng khách chủ yếu tìm mua vé xe giường nằm, nhất là của các hãng xe lớn. Tuy nhiên, loại vé này những ngày cao điểm đang rất khan hiếm.
Lãnh đạo Bến xe Miền Đông thông tin một số hãng như Phương Trang, Chín Nghĩa… đã có kế hoạch tăng cường xe, điều phối xe qua những tuyến có nhu cầu lớn dịp Tết. Những ngày cao điểm Tết, vé xe vẫn không thiếu cho hành khách bởi ghế ngồi còn nhiều, hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngày 25-1, lượng khách đến ga Sài Gòn về quê đã rất đông Ảnh: GIA MINH
Trong khi đó, tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP HCM), do đặc thù là các tuyến ngắn, lượng khách dự báo tập trung vào những ngày giáp Tết nên tình hình chưa "nóng" như những tuyến về miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc. Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho rằng vấn đề đáng lo ngại là hiện nay, lưu lượng xe, nhất là xe tải, đang tăng cao trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, gây nguy cơ ùn ứ thời gian cao điểm Tết khiến xe chở khách về miền Tây không kịp quay đầu về bến.
Còn tại Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết Hà Nội cam kết không để hành khách thiếu vé hay bị tăng giá vé trong dịp Tết nguyên đán 2019. Các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm (do Công ty CP Bến xe Hà Nội quản lý) đến thời điểm này chưa thông báo về việc tăng giá xe khách dịp Tết nguyên đán 2019.
Vé tàu không dễ mua
Từ ngày 25-1, ga Sài Gòn (quận 3, TP HCM) bắt đầu bước vào thời gian cao điểm phục vụ Tết. Trong ngày này, ga Sài Gòn tổ chức 21 chuyến tàu xuất phát, chở khách về quê theo trục đường Nam - Bắc.
Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, vé tàu Tết tính đến chiều 25-1 còn khoảng 4.800 chỗ có ga đi TP HCM, Biên Hòa và ga đến từ Nha Trang đến Hà Nội. Tuy nhiên, chủ yếu lượng vé còn trong các ngày thấp điểm, từ 25 đến 29-1 (20 đến 24 tháng chạp) và 3-2 (29 tháng chạp). Thời gian sau Tết, lượng vé còn khá nhiều, với khoảng 47.700 chỗ, có ga đi từ Hà Nội đến Nha Trang và ga đến là Biên Hòa, TP HCM.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thống kê tuyến tàu Thống Nhất đến nay đã bán được 320.300 vé cả 2 chiều Nam - Bắc trước và sau Tết. Lượng vé còn chủ yếu là chiều Hà Nội vào Nam sau Tết với khoảng 40.000 chỗ. Chiều TP HCM - Hà Nội trước Tết chỉ còn khoảng 2.300 vé nhưng chủ yếu là ghế ngồi, ghế phụ.
Các tàu khu đoạn đi các tuyến khu vực phía Bắc như: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long duy trì chạy thường xuyên 12 đôi/ngày. Ngoài ra, các đơn vị chạy thêm 25 đoàn tàu với hơn 14.000 chỗ, chủ yếu trên tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa. Trong đó, tàu Hà Nội - Vinh 8 đoàn, tàu Vinh - Hà Nội 14 đoàn, Thanh Hóa - Hà Nội 2 đoàn.
Đến nay, ngành đường sắt đã bán được khoảng 83.200 vé tàu khu đoạn, hiện còn khoảng 102.000 vé. Tuy nhiên, tàu Hà Nội - Vinh trước Tết vào các ngày cao điểm gần như đã hết, chỉ còn lượng nhỏ ghế ngồi, ghế phụ; các ngày khác vẫn còn nhiều vé ngồi. Riêng chiều Vinh - Hà Nội, Thanh Hóa - Hà Nội sau Tết còn nhiều vé các loại.
"Với các tuyến khác như: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, dù không tăng tàu nhưng chúng tôi nối thêm toa để tăng lượng chỗ phục vụ hành khách. Tùy vào nhu cầu thực tế, chúng tôi có thể tăng tàu trong những ngày nghỉ Tết để phục vụ hành khách du Xuân, thăm thân nhân" - bà Phùng Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết.
Căng thẳng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Thông tin từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết dịp cao điểm Tết Kỷ Hợi 2019, sản lượng cất hạ cánh cao nhất đạt khoảng 520 lượt chuyến/ngày, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018. Ga Nội Bài sẵn sàng các phương án, kế hoạch phục vụ, bảo đảm đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu hoạt động khai thác.
Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đang khá ngột ngạt bởi lượng người tăng cao, đặc biêt là tại khu vực ga quốc tế khi luôn nghẹt người đến đón Việt kiều về nước. Vé máy bay nội địa hiện cũng không dễ mua, nhất là những chặng từ TP HCM đi một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa…
"Mức vé của những chặng trên hiện trung bình từ 3-4 triệu đồng. Tuy nhiên, vé không dễ mua bởi các hãng hàng không gần như đã bán hết, chỉ chờ lượng vé bị dao động mới đặt được" - anh Võ Văn Phúc, làm việc tại một đại lý vé máy bay ở quận 3, cho biết.
Bình luận (0)