Liên quan đến việc huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) xây dựng công trình Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức với kinh phí khoảng 14 tỉ đồng, sáng 4-5, Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn để làm rõ hơn về công trình này.
Toàn cảnh dự án Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức
Theo ông Hà, kinh phí xây dựng công trình khoảng 14 tỉ đồng theo dự toán bao gồm cả công trình tượng đài và khuôn viên có diện tích rộng khoảng 10 ha. Công trình hiện tại đã thực hiện được khoảng 80%, huyện sẽ cố gắng thực hiện, hoàn thành trong năm nay.
Một góc công trình Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức
Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, chiến thắng Khâm Đức vào tháng 5-1968 là khởi nguồn, tạo bàn đạp để quân ta đánh chiếm Quảng Nam – Đà Nẵng cũ. Chính cứ điểm này là nơi địch sử dụng để ngăn đường Hồ Chí Minh, ngăn chặn quân ta vận chuyển hàng hóa vào vùng Tây Nguyên. Đây là trận chiến thắng làm nức lòng cán bộ chiến sĩ và người dân địa phương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh quân dân tỉnh Quảng Nam và Quân khu V, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975.
Khoẳng vào năm 1997-1998, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ đã cho chủ trương làm tượng đài nơi đây để ghi nhớ, tượng niệm sự kiện này. Sau đó, một tượng đài bằng chất liệu bằng xi măng đã được xây dựng nhưng sau đó bị xuống cấp nghiêm trọng.
Kinh phí 14 tỉ đồng bao gồm tượng đài, công viên hồ Mùa Thu, khu bảo tồn văn hóa người Bhnong…
Nhiều năm trước, một số cựu chiến binh ghé viếng hương, thấy công trình xuống cấp quá nên có góp ý với địa phương nâng cấp, sửa chữa chứ để vậy phản cảm, họ nói rằng thấy rất xót xa.
Năm 2017, nhân chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khâm Đức (1968-2018), Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện Phước Sơn thống nhất nâng cấp tượng đài, cải tạo lại khu vực đó thành một công trình tổng thể bao gồm tượng đài, công viên hồ Mùa Thu, khu bảo tồn văn hóa người Bhnong…
"Công trình vừa để tri ân, tưởng nhớ những người đã hy sinh máu xương để bảo vệ Tổ quốc, giúp giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu, vừa là nơi phục vụ thăm viếng của các cựu chiến binh đồng thời cũng phục vụ nhu cầu văn hóa, du lịch ở địa phương" – ông Hà nói.
Dự án đã hoàn thành được khoảng 80%
Theo ông Hà, hiểu được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của công trình, thời gian qua địa phương luôn đề cao công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng công trình, không để phát sinh tiêu cực trong quá trình thi công.
Ông Hà chia sẻ thêm, địa phương có phần đông là người đồng bào dân tộc thiểu số nên hiện nay còn khoảng 25% dân số thuộc hộ nghèo. Thời gian qua, huyện luôn tập trung các nguồn lực để lo cho người dân, mỗi năm có 5-7% số hộ thoát nghèo.
"Việc đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thì trước đây chưa được quan tâm, huyện quyết định đầu tư một công trình như vậy để phục vụ bà con nhân dân chứ thực tế trên địa bàn huyện hiện nay không hề có một công trình nào đủ lớn để phục vụ nhu cầu văn hóa của bà con" – ông Hà nói.
Bình luận (0)