Xã Mỹ Trạch - được hình thành từ 2 ngôi làng cổ xưa là là Cao Lao Thượng và Cao Lao Trung nằm ven sông Gianh thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Dấu tích những ngôi làng cổ
Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến, vùng đất gồm 3 làng Cao Lao Thượng, Cao Lao Trung (xã Mỹ Trạch) và Cao Lao Hạ (nay thuộc xã Hạ Trạch) và vùng đồi núi sau làng được gọi là Ba Trại, là nơi đồn trú của quân đội Chúa Nguyễn để đối trọng với vùng đất Ba Đồn của Chúa Trịnh bên bờ bắc Sông Gianh.
Cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong vườn nhà của người dân ở xã Mỹ Trạch
Khi đến xã Mỹ Trạch, nhiều người sẽ có cảm giác thú vị khi được tận mắt chiêm ngưỡng không gian làng quê đậm chất Bắc Trung Bộ còn được lưu giữ một cách nguyên vẹn, khi mang trong mình những dấu tích xưa cũ và có một không gian huyền hoặc như cổ tích với cây đa, bến nước, sân đình… Đặc biệt, vùng đất này có nhiều cây thị cổ thụ chứa đựng nhiều giai thoại huyền bí.
Cây thị cổ thụ với tán lá xum xuê, xòe rộng cả một vùng
Cây thị cổ thụ trước nhà cụ Nguyễn Thị Gái (88 tuổi) - hiện đã cao hơn 30m, gốc thị sần sùi, nhiều người ôm không xuể, cành lá quanh năm xanh tốt, tán cây xòe rộng cả một vùng. Cụ Gái nói, cây thị này mấy trăm tuổi thì cụ không thể biết chính xác, nhưng thời ông bà cố thì nói đã trên 300 tuổi. Khi lớn lên, cụ đã thấy cây thị sừng sững trước sân nhà.
Các bậc cao niên ở xã Mỹ Trạch cũng không nhớ rõ những cây thị cổ thụ có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên đã thấy cây thị trước sân nhà. Những cây thị cao ngút tầm mắt, tỏa bóng sum suê và cho quả vàng ươm, thơm lừng vào khoảng rằm tháng bảy âm lịch hàng năm.
Những huyền tích về cây thị
Trong các làng của xã Mỹ Trạch, đến nay vẫn còn nhiều cây thị già nua với hàng trăm năm tuổi. Cây thị được coi là "công dân" lâu đời nhất của làng, chứng kiến biết bao vui buồn theo dòng chảy bất tận của thời gian. Cũng không biết ai là người trồng cây thị này, nhưng cây đã sống dai hơn bất cứ ai, trở thành niềm tự hào của người dân Mỹ Trạch.
Ở nhiều ngôi làng của xã Mỹ Trạch có rất nhiều cây thị cổ thụ mà người dân xem như là "báu vật sống"
Các bậc cao niên trong làng hiện vẫn lưu truyền một câu chuyện để giải thích nguồn gốc về những cây thị cổ thụ từ hàng trăm năm về trước của xã Mỹ Trạch và họ cho rằng vùng đất mà họ sinh sống xưa là của người Chăm khai hoang, lập ấp và trồng nên những cây thị này.
Một cây thị cổ thụ được cho là khoảng 300 tuổi trong vườn của một nhà dân
Từ xưa, người Chăm không có gì làm đặc sản dâng các vị Vua Chăm. Họ đã kiếm nhiều giống cây quý từ các địa phương khác về trồng, nhưng cây chẳng đơm hoa kết trái. Một hôm, có người nông dân nghèo vào rừng hái củi, bỗng nhiên ông ngửi thấy một hương vị lạ từ sâu trong rừng. Đi mãi đến mỏi chân, ông đứng trước một cây cổ thụ xum xuê trái, trái chín căng mọng, vàng óng, thơm đến lạ lùng.
Vua Chăm nghe vậy liền gọi đó là thị. Từ đó, người làng Cao Lao Thượng và Cao Lao Trung vào rừng, lấy hạt quả thị về gieo khắp làng để hàng năm lấy quả tiến vua.
Trước nhà ông Nguyễn Lương (SN 1964, tại thôn 2, xã Mỹ Trạch) hiện có cây thị mà theo ông cũng không dưới 500 năm tuổi, ông Lương nói cây thị này đã sống qua nhiều đời, trải qua chiến tranh, cây vẫn sừng sững ở đấy. Vào mùa, cây trĩu quả, thị cổ nuôi sống nhiều người dân. Dù thế nào đi chăng nữa thì đã hàng trăm năm qua, cây thị cổ luôn song hành gắn bó, trở thành biểu tượng đặc sắc của làng.
Nhiều cây thị với nhiều giai thoại huyền bí
Theo nhiều người dân, trong thời chiến tranh, những cây thị cổ thụ từng là nơi ẩn nấp của bộ đội trước sự truy bắt, càn quét của giặc Pháp khi đánh phá về làng. Để ẩn náu, bộ đội đã tận dụng từ gốc đến ngọn, cây thị để "ngụy trang", cây đã chở che bộ đội trú ẩn một cách an toàn.
Không biết truyền thuyết cây thị có thật hay không, nhưng thị có rất nhiều ở xã Mỹ Trạch mà các xã khác quanh vùng không hề có. Lý giải việc này, ông Phan Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch - cho biết địa thế của xã nằm ở vùng gò đồi cao, là đất thịt có pha lẫn chút đất cát nên trồng được cây thị. Đến nay có hàng chục cây thị cổ thụ được phân bổ khắp nhiều ngôi làng, nhà dân mà không vùng nào có được, dân làng xem cây thị như là "báu vật sống".
Trái thị xanh nấu với nhái là món đặc sản
Về Mỹ Trạch vào mùa thị chín (tháng 7 âm lịch), ai cũng sẽ được ngửi hương thị thơm lừng. Với người dân nơi đây, những trái thị còn là một món ăn quê hương thời khốn khó mà nay đã thành đặc sản, đó là món: "thị xanh nấu với nhái bà".
Trái thị lúc còn xanh có vị hơi chát, người dân nghĩ rằng những thứ chát sẽ rất ngon nếu kết hợp với những con có chất hơi tanh. Thế là người dân nghĩ ngay trái thị xanh kết hợp nấu với con nhái ngoài đồng.
Sau những cơn mưa giông, ngoài đồng xuất hiện nhiều nhất là loài nhái nép mình dưới những gốc rạ vừa gặt. Lúc này, dân làng xách giỏ ra đồng tìm bắt những chú "nhái bà" (con nhái lớn) đem về nấu với quả thị xanh. Sự kết hợp ngẫu nhiên đó không ngờ đã tạo ra một món ăn ngon, truyền đời qua bao thế hệ và bây giờ nó đã thành một món đặc sản.
Theo nhiều người dân, chế biến món "thị xanh nấu với nhái bà" cũng mất khá nhiều công và cầu kỳ. Con nhái sau khi làm sạch thì bỏ cùng các loại gia vị: củ nén, ớt xanh, hạt tiêu… rồi băm nhỏ, vo lại thành viên và phi cho săn lại.
Sau đó bổ quả thị xanh thành từng miếng và bỏ vào kho chung với thịt nhái viên, đun nhỏ lửa cho đến khi sền sệt nước. Lúc này, món ăn sẽ không còn vị tanh của nhái, vị chát của quả thị nữa mà chỉ còn lại là vị ngọt thơm, béo bùi, đậm chất hương đồng, gió nội, ai đã từng một lần được ăn thì nhớ mãi...
Bình luận (0)