Ngày 8-12-1994 là một dấu mốc quan trọng với ngành hàng không dân dụng Việt Nam khi chính thức tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh). Đây là kết quả đấu tranh kiên trì bền bỉ và khôn khéo của Việt Nam trên bàn hội nghị cũng như sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người trong suốt một thời gian dài để khẳng định đầy đủ năng lực, chủ quyền của Nhà nước ta trong việc quản lý vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, hội nhập với không vận quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (trái) phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Tổ chức ICAO và tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh năm 1994 - Ảnh: VATM
Vùng thông báo bay (Flight Information Region-FIR) là vùng trời có kích thước xác định mà Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước Cộng đồng Hàng không dân dụng quốc tế về cung cấp các dịch vụ thông báo bay và báo động. Ranh giới FIR được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan tại các Hội nghị không vận khu vực (RAN) và do Hội đồng ICAO phê chuẩn.
Nguyên tắc phân định các FIR của ICAO là nhằm đảm bảo các hoạt động bay được điều hành an toàn, điều hòa và hiệu quả, thuần túy xuất phát từ ý nghĩa kỹ thuật, không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. FIR có thể bao gồm vùng trời chủ quyền của mỗi quốc gia và các vùng trời không thuộc chủ quyền được phân công.
FIR Hồ Chí Minh (phần công hải quốc tế trên biển Đông) được Việt Nam giành lại quyền điều hành tại Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RAN-3) tại Bangkok - Thái Lan năm 1993. Nhưng phải 1 năm sau đó, năm 1994, tại Hội nghị Tiểu ban không vận Châu Á - Thái Bình Dương của ICAO gồm 10 nước họp tại TP HCM khi tổng kiểm tra lần cuối đối với khả năng đảm nhận nhiệm vụ điều hành FIR Hồ Chí Minh như: Hệ thống trang thiết bị, cơ sở điều hành bay, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo công tác điều hành bay hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của ICAO. Sau tổng kiểm tra, ông Moris E. Fridman, phụ trách không vận của ICAO, khẳng định "FIR Hồ Chí Minh của các bạn đạt tiêu chuẩn loại một". Ngành quản lý bay Việt Nam chính thức điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh kể từ 0 giờ ngày 8-12-1994.
Gọi là "giành lại" bởi vì FIR Hồ Chí Minh trước năm 1975, gọi là FIR Sài Gòn, được thiết lập năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời trên công hải quốc tế ở biển Đông, sau đó đến năm 1973 được điều chỉnh mở rộng xuống phía Nam và duy trì cho đến ngày 28-4-1975 với diện tích khoảng 918.000 km2.
Đài Kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất xây dựng trước năm 1975 - Ảnh: VATM
Tháng 4-1975, khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, các Hiệp định Hàng không dân dụng quốc tế với các nước trên thế giới không còn tác dụng. ICAO lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên đã phân chia vùng công hải quốc tế trên biển Đông của FIR Sài Gòn thành các vùng trách nhiệm lâm thời (AOR) giao cho 3 Trung tâm kiểm soát đường dài: Hồng Kông, Bangkok, Singapore quản lý. Phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đến năm 1977, Đảng và Chính phủ ta đã có chủ trương đấu tranh giành lại quyền điều hành FIR Sài Gòn cũ và đổi tên vùng này thành FIR Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thời gian này, đất nước ta còn nhiều khó khăn khi bị bao vây, cấm vận, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý bay vừa thiếu đồng bộ, vừa lạc hậu
Giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh là kết quả của cuộc đấu tranh trong 18 năm dài của ngành hàng không Việt Nam. Đây là cuộc đấu tranh khó khăn, nhất là khi vì lợi ích kinh tế, tại Hội nghị RAN 2 họp tại Singapore năm 1983, một số nước trong khu vực có ý đồ đòi biến vùng trách nhiệm tạm thời do ICAO phân chia trên biển Đông thuộc FIR Hồ Chí Minh thành vùng trách nhiệm chính thức do các nước này quản lý. Một số nước đã đề xuất sáp nhập một phần lớn FIR Hồ Chí Minh vào FIR của họ và FIR Hà Nội. Như vậy, FIR Hồ Chí Minh có nguy cơ mất một phần lớn vùng công hải trên biển Đông.
Quá trình này, hàng không Việt Nam được sự viện trợ kỹ thuật của Liên Xô, sự hỗ trợ của UNDP/ICAO. Ảnh: Chuyên gia khí tượng Liên Xô (cũ) hướng dẫn khai thác hệ thống radar thời tiết - Ảnh: VATM
Trước thực trạng bất lợi này, để có thêm thời gian cho Việt Nam chuẩn bị, Đảng và Chính phủ ta đã kịp thời chỉ đạo đoàn đại biểu hàng không dân dụng Việt Nam tại diễn đàn Hội nghị RAN-2 khéo léo, kiên quyết đấu tranh nhằm giữ nguyên trạng các vùng trách nhiệm lâm thời mà ICAO đã xác lập vào tháng 4-1975. Cuối cùng, các yêu cầu của Đoàn Việt Nam đã được Hội nghị chấp thuận. Sau Hội nghị RAN-2, Việt Nam có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn, tiếp tục cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh.
Phần phía nam FIR Hồ Chí Minh là một vùng trời rộng lớn với nhiều tiềm năng kinh tế, trải dài với diện tích khoảng 918.000 km2, gồm một nửa nước ta từ Quảng Trị cho đến mũi Cà Mau với chiều rộng ra biển trên 500 km. Bao gồm từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến Đông, tức là bao gồm cả vùng trời miền nam Việt Nam và cả vùng trời rộng lớn thuộc biển Đông. Hiện nay, trong vùng thông báo bay này, ngành Hàng không Việt Nam có 21 đường bay quốc tế và 21 đường quốc nội. Đặc biệt, FIR Hồ Chí Minh còn nằm trong giao điểm đường bay qua các nước trong khu vực với 20 đường bay. Những đường bay thuộc FIR Hồ Chí Minh đi qua các điểm: TP HCM, Phan Thiết, Phù Cát, Côn Sơn, Đà Nẵng tới Bangkok, Philippines, Singapore, Hồng Kông…
Hiện nay, trong toàn bộ FIR Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày có gần 1.000 chuyến bay cất, hạ cánh (cao điểm có ngày lên đến 1.100 chuyến cất hạ cánh), gần 600 lượt chuyến bay quá cảnh và hơn 500 chuyến bay tới các điểm đến ở Trung Quốc, chưa kể các chuyến bay từ nước này tới Việt Nam.
Còn tiếp
Bình luận (0)