Từ hôm 22-6, Trung tâm Quản lý Đường thủy - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM phát hiện đoạn kè 1,1 kênh Thanh Đa trên phường 25, quận Bình Thạnh xuất hiện một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ. Liên tục những ngày sau đó, tình trạng sụt lún, chuyển vị của công trình kè và khu vực tiếp giáp nghiêm trọng hơn.
Sống trong thấp thỏm
Ngay sau khi phát hiện, UBND quận Bình Thạnh tổ chức di dời khẩn cấp 15 hộ dân, nhanh chóng rào chắn xung quanh khu vực và bố trí lực lượng trực gác thường xuyên. Trong số 15 hộ dân, 7 hộ được di dời tạm đến chung cư tái định cư số 4 Phan Chu Trinh (phường 12, quận Bình Thạnh), 6 hộ chủ động tự di dời đến nơi ở khác, 2 hộ xin ở lại.
Khu vực sạt lở đang diễn biến phức tạp
Tuần qua, phóng viên Báo Người Lao Động trở lại khu vực sạt lở. Ghi nhận cho thấy 15 căn nhà bị ảnh hưởng chỉ cách đỉnh kè từ 3 đến 3,5 m, đa số đều bị nứt tường, lún và nghiêng, có thể trôi tuột về phía kênh bất cứ lúc nào.
Địa phương đặt cảnh báo
Vẻ mặt đầy lo lắng, ông Nguyễn Vọng Các (67 tuổi, có nhà thuộc diện di dời), bày tỏ bất an. Ông cho hay các con ông đều ra sống riêng, mấy hôm nay ông gắng nán lại để thu vén đồ đạc và hy vọng cơ quan chức năng sớm có phương án làm lại kè.
Ông Nguyễn Vọng Các cố gắng giữ căn nhà bằng cách gia cố lại chân tường .Ảnh: ÁI MY
Sống gần đó, ông Trần Ngọc Sang (65 tuổi) chung cảm giác bất an. Ông kể bà con ở đây ai cũng nơm nớp lo, những người di dời đi nơi ở tạm cũng đứng ngồi không yên vì ngôi nhà gắn bó với mình bao nhiêu năm. Với tình trạng sạt lở thế này, gia đình nào cũng váng vất câu hỏi chỗ ở có tuột xuống nước không.
"Không biết sắp tới có thêm trận sạt lở nào nữa... Chỉ mong muốn chính quyền sớm giải quyết để người dân được an tâm sinh sống" - một người dân khác, ông Hoàng Minh (53 tuổi), bày tỏ.
Sớm giảm tải, cứu đoạn sạt lở
Đánh giá về mức độ vụ sạt lở, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng nghiêm trọng và còn phức tạp.
Kết quả quan trắc thời gian qua cho thấy nơi đây đang hình thành cung trượt theo 3 phương, mỗi ngày chuyển vị 2 cm, đến ngày 8-7 đã chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang khoảng 1,9 m so với tim tuyến kè thiết kế (tăng thêm 0,15 m); chuyển vị theo phương đứng khoảng 1,26 m so với cao độ hành lang mặt kè thiết kế (tăng thêm 0,46 m).
Chiều dài khu vực sạt lở kéo dài 168 m, rộng 15 m từ đỉnh kè vào trong bờ. Phạm vi sạt lở rộng và chuyển vị lớn sẽ làm mất ổn định công trình, phá vỡ kết cấu chính, nguy cơ sạt lở lan rộng.
Về nguyên nhân, đánh giá sơ bộ sau khi quan trắc, ông An nhận định thời điểm xảy ra sạt lở có mưa lớn nhiều ngày làm cho nền đất sau kè, dưới nền nhà ở của các hộ dân bị đọng nước, cộng thêm thời điểm nước triều kiệt, chênh lệch mực nước lớn làm gia tăng áp lực ngang lên kè.
Theo ông An, ngoài khu vực 15 hộ bị ảnh hưởng thì các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa gồm các đoạn 1,2, 1,3 và 1,4 vẫn ổn định.
"Để bảo đảm an toàn, hạn chế sạt lở lan rộng, theo tôi biện pháp trước mắt là phải hạ tải cho khu vực, cụ thể là tháo dỡ các công trình nhà dân trên đoạn kè. Tuy nhiên muốn tháo dỡ, địa phương phải lên kế hoạch, đề xuất các phương án bảo đảm hài hòa lợi ích vì nhà là tài sản của người dân. Về lâu dài cần có dự án xây dựng lại kè cho khu vực với phạm vi giải tỏa vào sâu bên trong, cách đỉnh kè từ 10 m như các đoạn đã thực hiện" - ông An cho hay.
Khẩn trương xác định nguyên nhân vụ sạt lở
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường vừa có văn bản khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý thích hợp, nhằm phòng tránh thiệt hại cho người dân tại khu vực nêu trên.
Ông Bùi Xuân Cường cũng yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo Trung tâm Quản lý đường thủy lựa chọn đơn vị có chức năng khảo sát, quan trắc, đánh giá nguyên nhân sạt lở và khả năng chịu lực của công trình; đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở trong vòng 10 ngày sau khi được sự chấp thuận của UBND TP.
Chấm dứt hợp đồng nhà thầu yếu kém
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết đơn vị này đang triển khai 15 dự án xây dựng kè chống sạt lở sông, kênh, rạch tập trung tại quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong đó có 5 dự án không vướng mặt bằng, 10 dự án vướng mặt bằng thi công.
Trong 5 dự án không vướng mặt bằng có 3 dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với tổng chiều dài khoảng 9,5 km. Hiện có 2 trong 3 đoạn nhà thầu thi công chậm.
Một đoạn tường kè có nguy cơ tụt xuống nước
"Sau khi đôn đốc, kiểm tra thì nhà thầu vẫn thi công chậm. Do đó, để bảo đảm tiến độ công trình, trong tháng 7 và 8, đơn vị sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng với 2 nhà thầu này kèm biện pháp xử phạt hành chính. Song song đó, tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu bảo đảm năng lực" - ông Phúc cho hay.
Thông tin về 10 dự án xây kè đang vướng mặt bằng (9 dự án ở huyện Nhà Bè, 1 dự án ở Bình Chánh), ông Phúc cho biết Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP HCM đã làm việc với 2 địa phương. Theo kế hoạch, quý IV/2023 sẽ có mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án trong năm 2024.
Bình luận (0)