Bão số 10 vào miền Trung đúng thời điểm triều cường cộng gió mạnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa. Thiệt hại là có thật nhưng với cách tính thiệt hại quá "vênh" so thực tế của huyện Hoằng Hóa đang khiến dư luận hoài nghi về tính trung thực trong báo cáo của địa phương.
Không biết số liệu từ đâu
Ngay khi bão chưa qua hết lãnh thổ nước ta, số liệu thiệt hại đã được Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa phát đi lúc 15 giờ ngày 16-9 là ước tính 1.000 tỉ đồng. Riêng huyện Hoằng Hóa thiệt hại 937 tỉ đồng.
Thực tế, tại một số cánh đồng nuôi tôm thẻ chân trắng của các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, khi được hỏi về con số thiệt hại hàng trăm tỉ đồng từ nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở đây không khỏi giật mình, nhiều người ngỡ ngàng vì không biết số liệu đó chính quyền lấy từ đâu.
"Trước bão chẳng thấy cán bộ nào đến kiểm tra, nắm bắt tình hình nên cũng không biết họ dựa vào đâu để thống kê có bao nhiêu hộ đã thu hoạch, chưa thu hoạch một phần hoặc không nuôi thả…" - một hộ nuôi tôm xã Hoằng Phụ nói.
Đầm nuôi tôm tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa tan hoang sau bão số 10
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa), cho biết có việc trước bão, xã không tới được nhiều hộ dân. Đó là những hộ nuôi tôm ở ngoài đồng, lúc đó nước mênh mông nên không thể ra đó được. Ông Bình thừa nhận địa phương thống kê bằng cách xuống các hộ nghe ngóng tình hình để báo cáo. "Lúc đó, nước ngập trắng nên không biết thiệt hại thế nào, xã phải cử cán bộ xuống các hộ dân hỏi tình hình thiệt hại ra sao, sau đó về tổng hợp báo cáo. Việc thống kê con số chính xác cũng khó, vì không biết hộ nào đã thu hoạch hay chưa và họ có nói thật hay không, cũng có nhiều hộ chúng tôi biết khai không đúng nên đã từ chối" - ông Bình cho biết thêm.
Theo báo cáo của UBND xã Hoằng Phụ, địa phương này thiệt hại hơn 19 tỉ đồng. Đến ngày 17-9, số thiệt hại được bổ sung là 148 tỉ đồng. Lý giải về 2 con số chênh nhau bất thường này, ông Bình cho biết 19 tỉ đồng là chỉ tính thiệt hại thủy sản, còn 148 tỉ là cả cơ sở vật chất. "Thực tế nó vậy chứ địa phương không muốn kê vào là mong được hỗ trợ đâu" - ông Bình nói.
Lệch gần 300 tỉ đồng?
Theo báo cáo ngày 16-9 của huyện Hoằng Hóa, địa phương này thiệt hại 897 tỉ đồng (trong đó thiệt hại công trình hơn 437 tỉ đồng, còn lại là thiệt hại về nuôi trồng thủy sản). Đến ngày 18-9, huyện Hoằng Hóa báo cáo thiệt hại 937 tỉ đồng (trong đó thủy sản thiệt hại hơn 499 tỉ đồng). Ngày 20-9, sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh về sự thiếu trung thực trong báo cáo thiệt hại thì địa phương này báo cáo tụt xuống chỉ còn 640 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, cho biết con số thiệt hại giảm mạnh là do các địa phương tính sai giá trị và sản lượng tôm. "Sản lượng trung bình cánh đồng tôm thẻ chân trắng khoảng 15-18 tấn/ha nhưng hầu hết các địa phương kê 30-40 tấn/ha, giá trị tôm 170.000 - 180.000 đồng/kg. Thấy số liệu quá cao, chúng tôi kiểm tra thực tế thì thấy nhiều đầm tôm đã cho thu hoạch hoặc thu hoạch gần hết nhưng vẫn kê vào, sản lượng tôm và giá không thể cao như thế được. Sau khi tính toán lại, số liệu mới tụt như thế" - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, nhiều khi bị sức ép về số liệu, địa phương rộng nên anh em báo cáo lên cũng không thể kiểm tra hết được. "Dưới xã nhiều khi họ chưa giám sát hết được hộ nào nuôi trồng thủy sản, đã thu hoạch hay chưa thu hoạch nên thấy cánh đồng trắng nước là báo cáo thiệt hại hết. Cũng phải thông cảm cho họ bởi nuôi tôm phải có chuyên môn, không thể đánh giá hết được nên mới có số liệu lệch như thế" - ông Dũng thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, việc báo cáo chưa nhất quán vừa rồi là do cán bộ một số địa phương thống kê chưa có nhiều kinh nghiệm chứ không cố tình làm như vậy.
"Tôi đã chỉ đạo phải nhắc nhở anh em rút kinh nghiệm. Hiện chúng tôi cũng đã có báo cáo thiệt hại gửi Thủ tướng" - ông Quyền nói.
Kê cả thiệt hại trước bão
Trong cơn bão số 10 , TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) thiệt hại 13,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là địa phương này đã kê cả thiệt hại đã có trước bão. Cụ thể, đoạn bờ biển sạt lở, xâm thực sát đường Hồ Xuân Hương thuộc phường Quảng Cư đã được liệt kê thiệt hại gần 5 tỉ đồng nhưng là từ trước bão (Báo Người Lao Động đã phản ánh). Lý giải về thông tin trên, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, thừa nhận đoạn đê đó đã hư hỏng sạt lở trước bão. "Đoạn đê đó có hư hỏng do bão nhưng không phải 5 tỉ đồng mà chúng tôi tính tổng giá trị của đoạn đê đó phải sửa chữa, khắc phục hết tầm đó tiền nên rất cần trung ương quan tâm hỗ trợ để khắc phục" - ông Tuấn nói.
Bình luận (0)