Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) đã có công văn gửi Ban Quản lý dự án xã Phú Thượng (ông Toàn là trưởng ban) về việc xử lý hư hỏng công trình kè Hói Rột qua thôn Trung Đông (Phú Thượng) sau bài viết Kè tiền tỉ đang làm bị nứt toác do thiết kế? đăng tải trên báo Người Lao Động ngày 22-11.
Đơn vị thi công kè "ôm" luôn gốc cây
Công trình này gồm bờ kè dài hơn 161 m, đường bê tông và do UBND xã Phú Thượng làm chủ đầu tư với kinh phí gần 1,7 tỉ đồng. Trong công văn, UBND xã Phú Thượng, xác nhận đoạn cong ở giữa bờ kè chiều dài 15-20 m đã xuất hiện 8 vết nứt, hở từ 2-4 cm và có một điểm lệch. "Có thể thời gian gần đây ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều và liên tục kéo dài nên áp lực của nước từ trên cao xuống quá lớn làm cho kè bị nứt" – công văn ghi.
Vết nứt toác của bờ kè
Theo biên bản làm việc giữa các bên liên quan trong buổi họp sau đó, đơn vị giám sát công trình này là Công ty CP tư vấn giám sát Anh Sơn, cho rằng việc đoạn kè cong, nứt là do tải trọng xe tạo áp lực và thời tiết. Công ty TNHH tư vấn xây dựng Phú Hưng (đơn vị tư vấn thiết kế), cho rằng ở đoạn bị nứt cần có biên bản xử lý hiện trường về việc đơn vị thi công tận dụng gốc cây sung để… làm kè, đồng thời cần quan trắc lại địa chất.
Còn ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và xây dựng An Phát, đơn vị thi công kè Hói Rột lại cho rằng, ngoài nguyên nhân kè bị nứt do quá trình thi công máy móc, xe cơ giới chạy gây áp lực thì trong thiết kế công trình này không có phân tích phần áp lực nước ngược.
Một trong nhiều vết nứt khác
Theo đó, các bên đều có nhận định rằng ngoài nguyên nhân kè nứt do xe cộ của đơn vị thi công tác động lực và một phần lỗi do ông trời làm mưa nhiều, kéo dài.
Vậy, thực tế từ khi công trình này tổ chức thi công đến khi phát hiện bị nứt, tại Thừa Thiên – Huế đã mưa rất nhiều hay không?
Điểm nứt toác từ dưới chân móng kéo lên khá rộng
Địa điểm xây dựng công trình là khu vực lân cận TP Huế và theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên – Huế, lượng mưa trong 11 tháng qua tại khu vực này đạt 1943 mm, đạt 75% so với trung bình nhiều năm (TBNN); 2087 giờ nắng, đạt 115% so với TBNN. Đợt mưa kéo dài nhất trong năm là từ ngày 1-11 đến ngày 15-11 nhưng lượng mưa ở Huế đợt này chỉ đạt 252 mm và địa phương này chưa hứng chịu cơn lũ nào. Tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế lượng nước mới chỉ đạt từ 20-30% so với thiết kế.
Như vậy, với một công trình kè bê tông mác M150, có móng rộng 1,5-1,67 m, đỉnh rộng 0,5 m và chỉ bị tác động một lượng mưa nhỏ nhưng đã nứt toác, cả một đoạn bị đẩy lệch ra thì quả thật rất có vấn đề.
Liệu ông trời có bị kết tội oan khi bị nhận định là một phần lỗi gây ra sự hư hỏng của công trình này?
Bình luận (0)