Trở lại khu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn chảy qua phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM vào những ngày đầu năm 2020, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự chuyển mình của con kênh này.
Cùng làm, cùng giám sát
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - cư dân khu vực trên - kể với phóng viên rằng đoạn kênh qua khu vực phường 14 dài hơn 4 km trước kia, ai nhìn cũng thấy ngán. "Nào là cỏ mọc um tùm, rác đầy mặt kênh, không thể thấy dòng nước. Nào là mặt kênh, bờ kênh trở thành nơi tập kết rác "khủng" của một số người dân lân cận và từ nơi khác đến. Còn nay, như chú đã thấy. Có sự đổi thay này, cư dân nơi đây ai cũng mừng" - bà Thủy phấn khởi.
Môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn chảy qua phường 14, quận Gò Vấp đã được cải thiện đáng kể
Sự mừng vui của bà Thủy và cư dân có lẽ là hình ảnh dọc bờ kênh đã được thảm nhựa, cây xanh trồng sát kênh bắt đầu đâm chồi nảy lộc và hơn cả là rác đã không còn "ngự trị" nơi đây. Ai đã làm nên kỳ tích này?
Theo UBND phường 14, thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" (viết tắt Chỉ thị 19), phường 14 đã cùng người dân tổ chức phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh, thu gom và vận chuyển rác thải đến trạm xử lý. Vận động các đơn vị hỗ trợ xe cơ giới san ủi mặt bằng sau tổng vệ sinh, phát quang, chủ động đặt chốt canh "bắt" người đổ trộm rác, thường xuyên cắt cỏ và giữ gìn vệ sinh. Đặc biệt, lắp đặt hơn 20 camera để hỗ trợ quan sát, thường xuyên phối hợp với các lực lượng tuần tra ban đêm dọc bờ kênh để quản lý, phát hiện kịp thời các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định; hỗ trợ, vận động kinh phí khen thưởng nóng để động viên tinh thần người dân. Theo đó, phường đã xử lý được trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, bắt buộc các đối tượng lao động công ích dọc tuyến kênh.
"Khó khăn nhất là vận động doanh nghiệp và người dân góp tiền làm đường nhựa thay con đường đất dọc kênh do đang chờ dự án, cuối cùng chúng tôi cũng đã làm được vì họ thấy rõ được lợi ích mà con đường mang đến" - đại diện UBND phường 14 nói và thông tin thêm cảnh quan khu vực trên đang tiếp tục được cải thiện, sắp xếp có trật tự hơn với việc người dân trồng cây xanh, đặt các chậu kiểng dọc tuyến kênh, khu phố. Ở khu vực không có nhà dân, phường đã vận động các chủ vựa cây kiểng cho mượn cây để trên bề mặt của tuyến kênh, theo từng khối, từng loại cây có hàng lối. Ngoài việc trồng hoa, cây, khu phố và người dân đang cùng địa phương tiếp tục đầu tư dụng cụ thể dục - thể thao, trò chơi thiếu nhi góp phần tạo thêm khu vực giải trí cho người dân.
Có trăn trở mới nảy ra cách làm hay
Cát Lái (quận 2, TP HCM) là phường đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, thu hút nhiều thành phần kinh tế, người lao động đến đầu tư, kinh doanh, sinh sống. Thế nên, nhiều năm qua, nơi đây phải đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thói quen vứt rác xuống miệng cống, sông, kênh, rạch.
Theo UBND phường Cát Lái, để rác thải không còn, ngay từ khi Chỉ thị 19 được ban hành, địa phương đã lập tức phát động phong trào hưởng ứng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và người dân, nhiều mô hình hay theo đó đã ra đời.
Đầu tiên là UBND phường Cát Lái lắp đặt camera quan sát tại khu vực điểm đen; tổ chức khen thưởng đột xuất, thường xuyên biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… Kế đến, Ủy ban MTTQ phường Cát Lái thực hiện mô hình "Chung tay bảo vệ môi trường"; vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn phường thực hiện Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020… Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cát Lái đã có đến 4 mô hình "đánh thẳng" vào rác thải nhựa, đó là "Túi thân thiện với môi trường", "Tái chế rác thải nhựa", "Cung cấp túi rác tự hủy", "Đổi rác thải lấy quà tặng"…
Ông Phạm Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Cát Lái, nhìn nhận khi tất cả đoàn thể cùng trăn trở, cùng suy nghĩ thì ắt sẽ có nhiều cách làm hay và điều này UBND phường Cát Lái đã làm được. Như thế, môi trường trên địa bàn đã được cải thiện rõ rệt. Theo ông Hương, để duy trì môi trường xanh - sạch - đẹp tại khu vực, địa phương vẫn đang tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đặc biệt, quan tâm phối hợp tổ chức đối thoại với người dân về vệ sinh môi trường để giải quyết nhanh tình trạng rác thải trên địa bàn.
Việc nhỏ nhưng thiết thực
Tại phường Bình Thuận (quận 7, TP HCM ), hằng tháng đều duy trì các hoạt động: "Ngày chủ nhật xanh", "Hẻm xanh - sạch - đẹp", "15 phút vì TP văn minh, sạch - đẹp". Theo đó, các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp với khu phố, tổ dân phố cùng người dân tham gia tổng vệ sinh tất cả hẻm nhánh trên địa bàn phường; người dân tham gia quét dọn và đóng góp kinh phí trong 9 đợt tổng vệ sinh các khu đất trống tồn đọng rác, với khoảng 50 tấn rác được thu gom.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-1
Bình luận (0)