xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Nới bội chi, tăng nợ công và quy mô hỗ trợ?

Phương Nhung

Dù ngân sách khó khăn song các cân đối vĩ mô vẫn được bảo đảm, có thể tính đến nới bội chi và tăng vay nợ để có nguồn lực đủ lớn phục vụ chống dịch và hồi phục kinh tế

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XV khai mạc vào hôm nay (20-10) là kỳ họp đặc biệt bởi cả nước vừa bước qua 4 tháng chống chọi với đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ để trở lại trạng thái "bình thường mới". Các chuyên gia, đại biểu (ĐB) QH bày tỏ mong muốn QH dành thời lượng hợp lý để bàn một cách chi tiết, cụ thể những quyết sách hồi phục kinh tế.

Cần giải pháp bất thường

Dẫn thực tế hàng loạt quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Thái Lan... không ngại tăng nợ công, bội chi để tung gói hỗ trợ khắc phục thiệt hại và phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Trong điều kiện bất thường, cần có những biện pháp phi thường, vượt ngưỡng cho phép, cũng giống như bệnh nặng bắt buộc phải có thuốc liều cao, thuốc đặc trị".

Theo ông Doanh, nới bội chi và tăng nợ công là "cái giá" mà nhiều quốc gia sẵn sàng chấp nhận để cứu nền kinh tế. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhất là khi ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn. "Các số liệu cân đối vĩ mô hiện rất "đẹp", tức là dư địa để tận dụng còn nhiều, hoàn toàn có thể tăng nợ công và bội chi thêm một vài điểm phần trăm dựa trên đánh giá cụ thể từ thực tế. Tuy nhiên, nới đến mức nào để không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô thì cần QH bàn thảo chi tiết" - TS Lê Đăng Doanh đề nghị.

TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng các quốc gia trên thế giới tính toán để cứu 1% GDP thì phải tăng nợ công lên 2,5 lần và dùng nợ công đó làm gói cứu trợ người dân, doanh nghiệp (DN). Việt Nam hiện duy trì tỉ lệ nợ công/GDP chỉ ở mức hơn 44%, cách xa ngưỡng QH cho phép là 60%. Xét trong điều kiện hiện nay, có thể nâng tỉ lệ nợ công/GDP thêm khoảng 5-7 điểm phần trăm, tương ứng khoảng 18-20 tỉ USD. Sau giai đoạn cần hồi phục cấp bách, nợ công có thể được xem xét giảm dần về mức cũ. "Vấn đề là số tiền này cần được sử dụng hiệu quả nhất cho nền kinh tế" - TS Trương Văn Phước lưu ý.

Nhiều chuyên gia kiến nghị nên mạnh dạn tăng bội chi lên mức 6%-7% GDP thay vì chỉ 3%-4% như vẫn duy trì hiện nay. Cơ sở để nới bội chi là Việt Nam hiện có tỉ lệ lạm phát thấp (dưới 4%), hệ thống tài chính ổn định và đặc biệt là bội chi còn thấp.

Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Nới bội chi, tăng nợ công và quy mô hỗ trợ? - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội - chủ trì họp báo về chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV Ảnh: Văn Duẩn

Tăng mạnh quy mô gói hỗ trợ

Trên cơ sở thay đổi tư duy để điều chỉnh chỉ tiêu nợ công, bội chi nhằm tạo nguồn lực cho chống dịch và khôi phục kinh tế, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Chính phủ xem xét, trình QH thông qua việc tăng mạnh hơn nữa quy mô các gói cứu trợ, bảo đảm tương xứng với nhu cầu thực tế.

Có thể dẫn vài số liệu để thấy mức độ chênh lệch giữa các gói hỗ trợ của nhiều quốc gia so với gói hỗ trợ của Việt Nam. Cụ thể, Mỹ công bố gói hỗ trợ tương đương 28% GDP; Úc 18,4% GDP; một số quốc gia châu Á từ 10% GDP trở lên. Theo tính toán chung của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 197 quốc gia trên thế giới đã cam kết chi 17.910 tỉ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, để thoát khỏi khủng hoảng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 của Việt Nam tương đương 2,84% GDP; còn quy mô các gói trong năm 2020 đạt 2,94% GDP.

TS Lê Đăng Doanh góp ý thêm: Từ nguồn lực có được nhờ "dũng cảm" nới bội chi, tăng vay nợ, cần tung ra các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn hiện nay nhiều lần, đồng thời tăng chi cho những vùng được cho là "điểm nóng" dịch bệnh.

Còn ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khuyến nghị Chính phủ tăng gói hỗ trợ tài khóa bởi dư địa phát hành trái phiếu Chính phủ và vay nợ nước ngoài vẫn còn.

Ở góc nhìn ĐBQH, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá những tổn thương về mặt con người cũng như vật chất trong 2 năm đất nước trải qua dịch Covid-19 là rất lớn. Từ thực tiễn đó, Chính phủ cần tiếp tục xem xét, đưa ra các gói an sinh để chia sẻ với những khó khăn của người dân, người lao động; đưa ra gói kích thích kinh tế đủ lớn, mạnh, đúng đối tượng để khôi phục, phát triển kinh tế.

Ông Trần Hoàng Ngân góp ý: "Gói kích thích kinh tế cụ thể ra sao sẽ cần ý kiến của QH cũng như các thành viên Chính phủ. Có thể giảm lãi suất, nới chính sách tài khóa trên cơ sở tiết kiệm chi thường xuyên và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vì, nếu để lạm phát "bùng" thì hỗ trợ lãi suất sẽ không có ý nghĩa, tạo thêm gánh nặng cho DN. Việc này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng nhưng không quá thận trọng để không đưa ra được gói đủ lớn". 

Thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết

Chiều 19-10, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký QH - chủ trì họp báo về chương trình kỳ họp thứ 2, QH khóa XV.

Theo ông Cường, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 20 đến 30-10, đợt 2 từ ngày 8 đến 13-11.

Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, QH xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024. QH cũng dành thời gian chất vấn và trả lời chất vấn của các ĐBQH.

V.Duẩn

Cần kịp thời ban hành chương trình phục hồi kinh tế

* Đề nghị ưu tiên tiêm vắc-xin cho giáo viên, học sinh, sinh viên

Trong báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 2 QH khóa XV, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết bên cạnh kết quả to lớn đã đạt được trong công tác phòng chống dịch và chăm lo cho nhân dân thì cử tri và nhân dân cho rằng công tác phòng chống dịch còn một số hạn chế, bất cập.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị QH kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế, sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, thúc đẩy DN, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển...

* Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH vừa có báo cáo chuyên đề về một số tác động của dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo gửi các ĐBQH khóa XV chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 này.

Trong báo cáo, Đảng đoàn QH đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn, bảo đảm bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo; có các giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm học đúng tiến độ, đạt mục tiêu về chất lượng.

N.Thế - M.Chiến

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:

Xây dựng chương trình phục hồi với quy mô đủ lớn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo đã được Bộ KH-ĐT báo cáo Thường trực Chính phủ và tiếp tục lấy ý kiến thời gian tới để hoàn thiện.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhằm kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ người dân, DN, nền kinh tế vượt qua khó khăn, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái "bình thường mới".

Chương trình đang được xây dựng sẽ có quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, DN. Trong đó, sẽ phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ phục hồi DN trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về tín dụng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN, người dân có thể tiếp cận vốn vay, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể; miễn, giảm thuế, phí; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện chương trình là từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, nguồn vốn của DN, hợp tác công - tư và các nguồn hợp pháp khác.

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH:

Cần gói hỗ trợ đủ mạnh, tạo cú hích cho doanh nghiệp

Tại kỳ họp thứ 2, trong phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, QH sẽ đánh giá về các gói hỗ trợ người dân, DN; đồng thời bàn các quyết sách quan trọng phục hồi và phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Các gói hỗ trợ thời gian vừa qua giúp DN bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các chính sách như gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế, phí, giảm lãi vay phần nào giúp DN giảm gánh nặng, có điều kiện tích lũy để bù đắp cho các hoạt động khác. Tuy nhiên, để tạo cú hích, cần gói hỗ trợ đủ mạnh như việc tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ nguồn lực để DN tái đầu tư, phục hồi sản xuất - kinh doanh sau những tổn thương do đại dịch Covid-19.

ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH:

Cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung cho mũi nhọn

Giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 42%, trong đó các tỉnh, thành bị tác động bởi đại dịch nặng nề như TP HCM thì tỉ lệ giải ngân còn thấp hơn nhiều.

Do đó, phải cơ cấu lại các nguồn vốn để tập trung vốn cho những mũi nhọn có tính kích hoạt, vì thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều. Mỗi địa phương cần điều chỉnh cơ cấu vốn cho phù hợp để tìm ra điểm kích hoạt có thể thúc đẩy đầu tư công.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp:

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai là kinh tế số. Do đó, cần tập trung nguồn lực vào khu vực này để đem lại giá trị thặng dư cao.

Ngoài ra, để hỗ trợ tốt nhất cho việc thúc đẩy khôi phục kinh tế, cần quyết liệt đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công để đưa các công trình dự án vào vận hành, đặc biệt là dự án giao thông có ý nghĩa kết nối vùng quan trọng.

Giải ngân vốn đầu tư công còn tạo cơ hội hồi phục cho nhóm DN liên quan, tạo công ăn việc làm, tạo hiệu ứng dây chuyền hồi phục chung...

Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP HCM:

Mong Quốc hội cho Chính phủ cơ chế đặc thù

Chúng tôi rất kỳ vọng tại kỳ họp này, QH sẽ đưa ra những quyết sách phù hợp nhằm giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.

Đặc biệt, rất mong QH thông qua, cho phép Chính phủ có những cơ chế kinh tế đặc thù trong giai đoạn phòng, chống dịch để chủ động triển khai hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ DN. Chủ yếu nhất là các giải pháp liên quan đến miễn, giảm thuế cùng các loại chi phí khác; khơi thông nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nhằm giúp DN tái cấu trúc theo hướng đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả hoạt động.

M.Chiến - V.Duẩn - T.Nhân - P.Nhung ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo