Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, quá trình kiến tạo nên ĐBSCL bắt nguồn từ việc nước lũ đem theo cát xuống hằng năm. Trong thời gian qua, ĐBSCL tiến về phía biển trung bình 16 m/năm và về mũi Cà Mau là 26 m/năm. Với quá trình này, bao giờ cát cũng đi trước lót nền sau đó tới phù sa, cát chính là nền tảng của ĐBSCL.
Con số báo động
Mới đây, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu "Ngân hàng cát cho ĐBSCL". Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện ở quy mô toàn đồng bằng. Nghiên cứu này khởi động từ tháng 3-2022, được thực hiện bởi các chuyên gia từ liên doanh Deltares (Hà Lan) và các đối tác Việt Nam, bao gồm những hoạt động khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu thứ cấp để ước tính trữ lượng cát hiện có ở ĐBSCL với tầm nhìn 2030 - 2040. Ngân hàng cát cung cấp số liệu mới nhất về trữ lượng cát trên 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu với số liệu đo đạc được từ 367 - 550 triệu m3. Trong đó, trữ lượng cát ở TP Cần Thơ từ 32-48 triệu m3, Đồng Tháp từ 75-93 triệu m3...
Tuy nhiên, có một lưu ý rằng đây là lượng cát đã được tích lũy từ hàng trăm năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của ĐBSCL. Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy chỉ có khoảng 0-0,6 triệu m3 cát đổ ra vùng ven biển mỗi năm, trong khi lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn đã giảm còn 2-4 triệu m3/năm, do phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện và lượng cát khai thác ở ĐBSCL từ 35-55 triệu m3/năm. "Nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện tại thì trữ lượng cát ở đáy sông sẽ chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Nếu giảm lượng khai thác thêm 5% mỗi năm, trữ lượng này có thể duy trì đến năm 2040 và ngược lại sẽ cạn kiệt vào 2035" - TS Sepehr Eslami, Trưởng Nhóm tư vấn liên doanh Deltares, khuyến nghị.
Khoảng 20 năm qua, khai thác cát quá mức đã khiến lòng các sông chính ở ĐBSCL bị nạo sâu hơn từ 10 - 20 cm/năm. Đó cũng là lý do khiến triều cường khuếch đại thêm 2 cm/năm, dẫn tới xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển gia tăng, ngập lụt đô thị vùng ĐBSCL cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh nguồn cung cát hạn chế, nếu khai thác thêm 0,5 tỉ m3 cát/năm thì độ sâu đáy sông tăng thêm từ 0,5-1 m, thêm 180.000 - 200.000 ha ảnh hưởng bởi mặn và biên độ thủy triều tăng từ 6-8 cm.
Ông Marc Goichot, quản lý Chương trình nước ngọt (WWF châu Á - Thái Bình Dương), cho rằng sự phát triển cấp bách hiện nay đòi hỏi khối lượng cát lớn nhưng điều này cần phải cân bằng với thực tế, bởi nếu không có hành động khẩn cấp thì nhiều diện tích lớn ở ĐBSCL sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.
Cần có cơ quan quản lý cấp vùng
Trước tác động nặng nề đến ĐBSCL do thiếu hụt nguồn cát, nghiên cứu về ngân hàng cát đưa ra một số khuyến nghị như: Quản lý cát sông nên được điều phối bởi một cơ quan cấp vùng thay cho quản lý theo ranh giới hành chính ở các tỉnh riêng lẻ. Chính phủ và các bộ, ngành nên xem xét sự khan hiếm cũng như hậu quả của việc cạn kiệt nguồn cát dự trữ hiện có để hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp có thể thực hiện các sáng kiến nhằm giảm tối đa việc khai thác cát sông. Chẳng hạn như hỗ trợ các nghiên cứu, phát triển và sử dụng những nguồn thay thế bền vững, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng đầu tư công.
Theo WWF Việt Nam, nhu cầu cốt liệu ở Việt Nam ước tính vào khoảng 4 tấn/người, tương đương 400 triệu tấn/năm trên toàn quốc. Trong đó, 100 triệu tấn/năm được sử dụng ở khu vực ĐBSCL và TP HCM. Cát có thể ở mức 30 triệu tấn/năm trong tổng nhu cầu cốt liệu, tổng nhu cầu cát đã vượt khá xa nguồn cung từ sông. Vì vậy, cần có các biện pháp điều chỉnh tốt hơn sao cho khai thác cát sông không vượt quá tỉ lệ bồi đắp của dòng sông, cũng như phát triển nguồn cung ứng những vật liệu thay thế như cát nghiền, tái chế các vật liệu phế thải khác.
Một nghiên cứu của WWF Việt Nam và các tổ chức khác cho thấy ưu điểm của cát nghiền so với cát tự nhiên là khi được sử dụng trong bê-tông có thể tiết kiệm xi măng mà vẫn đạt được chất lượng, độ bền và độ toàn vẹn cấu trúc tối ưu của bê-tông. Cát nghiền có thể được sản xuất với giá rẻ hơn 15% so với cát tự nhiên và tạo ra chất lượng bê-tông tốt hơn. Điều này có nghĩa điều kiện thị trường hiện nay đang khuyến khích đầu tư vào sản xuất cát nghiền và vận chuyển đến thị trường ĐBSCL.
Ngoài ra, tại ĐBSCL, một số công ty đã bắt đầu quan tâm đến tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để dùng sản xuất vật liệu san lấp, vữa khô đóng bao và gạch không nung. Qua khảo sát cho thấy nhiều công trình san lấp mặt bằng từ tro, xỉ không hề thua kém cát. Hơn nữa, tro, xỉ san lấp có giá chỉ bằng 2/3 so với cát. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển cho đắp nền những dự án hạ tầng như đường bộ cao tốc, quốc lộ hoặc có thể san nền các khu công nghiệp, khu đô thị... nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông.
Giám sát dòng cát di chuyển trên toàn vùng
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương ĐBSCL hiện cấp 121 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3 (trong đó cát san lấp 63 triệu m3, cát xây dựng 17 triệu m3). Vừa qua, các tỉnh trong vùng cấp tiếp 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng. Như vậy, tổng cộng có hơn 120 triệu m3 (trong đó có 20 triệu m3 cát xây dựng và hơn 100 triệu m3 cát san lấp) đủ đáp ứng nhu cầu. Nhưng dữ liệu của ngân hàng cát công bố trữ lượng cát hiện có ở ĐBSCL từ 367 triệu đến 550 triệu m3 lại khuyến nghị hạn chế khai thác.
Ông Hà Huy Anh, quản lý quốc gia dự án "Quản lý cát bền vững" của WWF Việt Nam, lý giải: Sự khác biệt về con số có thể là do mục đích và quy mô tính toán trữ lượng cát khác nhau. Số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dựa trên trữ lượng thăm dò các khu vực có mỏ cát, có tiềm năng khai thác. Trong khi đó, số liệu của ngân hàng cát là toàn bộ cát còn lại dưới đáy các dòng sông chính ở ĐBSCL. Vì vậy, WWF mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để tăng cường giám sát dòng cát di chuyển trên toàn vùng ĐBSCL nhằm cung cấp dữ liệu chính xác hơn. Điều này sẽ rất quan trọng trong việc ra các quyết định về quản lý, khai thác, phục hồi hiện nay và trong tương lai.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!