Khi thuyền ra giữa biển, ông Minh cõng bình chì nặng 7 kg trên lưng, lặn xuống dưới những rạn san hô, rặng đá ngầm sâu từ 3 - 10 m để hái rong. Sau khi bứt gốc, ông Minh để những luống rong nổi tự do lên mặt nước.
Ở bên trên, bà Sư nhanh chóng chèo thuyền thúng theo, thoăn thoắt đưa dầm vớt rong cho vào thúng rồi đưa sang thuyền lớn. Không chỉ vợ chồng ông Minh, trên mặt biển cũng tấp nập người đi hái rong mơ.
Hái rong trên biển Tam Hải Ảnh: LY TRÂM
Quá trưa, khi cái nắng gay gắt nhất cũng là lúc các thuyền đầy ắp rong. Từng chiếc thuyền máy chạy vào bờ để kịp phơi rong cho khô để bán cho thương lái. "Vợ chồng tôi đi hái rong đã 10 năm nay. Mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. Nhờ nghề này mà chúng tôi có thu nhập trang trải cho gia đình, nuôi con cái ăn học" - bà Sư chia sẻ.
Theo người dân Tam Hải, rong là món quà quý giá mà biển cả ban tặng cho người dân nơi đây. Ở đây có nhiều loại rong biển khác nhau, như rong xoa, rong mứt, rong mơ... Rong xoa dùng để chế biến thức ăn, nấu xu xoa; rong mứt để nấu canh và có thể dùng làm thuốc; rong mơ không chỉ làm thức ăn mà sau khi phơi khô còn có thể đun nước uống thanh nhiệt... Từ năm 2007 đến nay, nhiều thương lái Trung Quốc đổ xô đến Tam Hải tìm mua rong biển. Cũng từ đó, người dân Tam Hải bắt đầu có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Bùi Văn Phước (41 tuổi, thôn Thuận An) cho biết rong mơ mọc quanh năm và rộ lên vào tháng 5 âm lịch. Còn rong mứt thường có nhiều vào tháng 10 âm lịch. Tùy vào chất lượng, mỗi loại rong biển có giá trị kinh tế khác nhau. Trong đó, rong mứt có giá cao nhất, từ 3-4,5 triệu đồng/kg khô, rong xoa khoảng 350.000-400.000 đồng/kg khô, còn rong mơ có giá dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg.
Ở xã Tam Hải hiện có hàng chục hộ làm nghề hái rong biển và khoảng 100 hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ rong biển. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết địa phương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh rong mứt tại xã đảo tổ chức các buổi thảo luận, lấy ý kiến cộng đồng về đăng ký, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Rong mứt Bàn Than". Hội Nông dân huyện Núi Thành được giao nhiệm vụ là tổ chức tập thể làm chủ sở hữu nhãn hiệu này, sau này sẽ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho cộng đồng.
Bình luận (0)