xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khẩn cấp lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Cần cấp bách có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia, do Bộ Y tế quản lý để điều chuyển thuốc cho tất cả các địa phương khi cần

Mới đây, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy phải mang 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cuối cùng ra Quảng Nam để kịp cứu sống nhiều người bị ngộ độc chất botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua. Các chuyên gia lo ngại sẽ rất khó khăn nếu tiếp tục xuất hiện các ca ngộ độc botuli-num trong cộng đồng.

Thiếu nhiều loại thuốc hiếm

TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho hay số thuốc quý hiếm được mang ra miền Trung đã được tiêm khẩn cấp cho 3 bệnh nhân nặng nhất và họ được giải độc, qua nguy kịch.

BAT là thuốc rất hiếm, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, rất khó mua do trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất, may là khu vực miền Nam đang có. Mỗi lọ giá tương đương 190 triệu đồng.

Trước năm 2020, Việt Nam không có thuốc giải botulinum. Chỉ đến khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người rơi vào nguy kịch, bấy giờ Tổ chức Y tế Thế giới mới hỗ trợ thuốc cho Việt Nam. Năm 2021, BV Chợ Rẫy nhập về 6 lọ BAT từ Canada trong tổng số 30 lọ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu. Nếu tiếp tục xảy ra các ca ngộ độc botulinum sẽ rất khó để tìm thuốc giải.

TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, cho biết nhiều loại thuốc giải độc nằm trong nhóm thuốc hiếm, có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, thậm chí có thể đảo ngược tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Khi những thuốc đặc hiệu bị thiếu, các BS phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân nhưng hiệu quả rất hạn chế.

Trước đó, nhiều lần BV Bạch Mai đã lên tiếng về việc thiếu thuốc giải độc để điều trị cho các bệnh nhân bị rắn độc cắn, ngộ độc asen, ngộ độc thủy ngân... Hiện Trung tâm Chống độc vẫn thiếu một số loại thuốc giải độc thuộc nhóm thuốc hiếm như thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, huyết thanh kháng nọc rắn, thuốc giải ngộ độc rượu methanol, thuốc giải độc trong ngộ độc phốt pho hữu cơ…

Ông Nguyên cho biết BV Bạch Mai từng kiến nghị Bộ Y tế đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm để sẵn sàng điều phối đến các BV toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng. Dù số lượng bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc hiếm rất ít, thậm chí có những lúc phải bỏ đi vì hết hạn nhưng khi người bệnh cần mà không có thuốc thì nguy cơ ảnh hưởng tính mạng. Do vậy với loại thuốc này cần có cơ chế đặc biệt, Nhà nước hỗ trợ để mua thuốc về phân phối cho các BV, người bệnh mới có cơ hội điều trị sớm.

Một số chuyên gia cho rằng thuốc hiếm tức là rất hiếm, khó mua và đắt nên cần phải bảo đảm nguồn dự trữ quốc gia và điều phối bởi trung tâm đặt tại các vùng miền để rút ngắn nhất thời gian cung ứng. Ngoài mua sắm cũng cần nghiên cứu sản xuất, cần cơ chế khuyến khích tự nghiên cứu sản xuất trong nước bảo đảm có thuốc phục vụ, vì lợi nhuận không cao, khó nghiên cứu và khó khăn về thủ tục thì không đơn vị nào, công ty nào muốn nghiên cứu sản xuất. Nhà nước nên chỉ định đơn vị của nhà nước có năng lực để chủ động nghiên cứu sản xuất.

Bộ Y tế cho biết nhiều năm qua đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. Danh mục này thường xuyên được điều chỉnh và hiện được quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BYT, gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có.

Về thủ tục cấp phép, để bảo đảm nhanh chóng có nguồn cung thuốc hiếm, Bộ Y tế ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định; cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở. Tuy nhiên, khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng đối với một số thuốc hiếm là do việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm hiện được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có và đề xuất giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc; chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.

Cũng theo ông Tuyên, tại Nghị quyết số 30/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Chính phủ đã giao Bộ Y tế trong quý III tới phải báo cáo cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Hiện Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên và dự kiến đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính như: Bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung.

"Đây là việc rất cần thiết, dù thuốc hiếm là mặt hàng nhu cầu sử dụng không nhiều nhưng khi có tình huống khẩn cấp hoặc với các bệnh đặc biệt cần phải đáp ứng ngay, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Tuyên nói và cho biết với nhóm thuốc này, Bộ Y tế dự kiến triển khai ở 6 vùng gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, lựa chọn các BV trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn và giao quản lý, hướng dẫn sử dụng, điều phối nhóm thuốc này.

Khẩn cấp lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm - Ảnh 1.

Bệnh nhân chờ mua thuốc tại quầy thuốc bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Cần quy chế rõ ràng

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện nay nguồn thuốc hiếm vẫn do BV tuyến trung ương chủ động. Khi có các sự cố cần sử dụng, Bộ Y tế vẫn thực hiện điều phối để bảo đảm có thuốc điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, để bảo đảm việc quản lý, sử dụng một cách hệ thống và bài bản thì cần có các trung tâm điều phối.

Trước tình hình này, lãnh đạo BV Chợ Rẫy kiến nghị cần cấp bách có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia. Theo TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, trung tâm này do Bộ Y tế quản lý để điều chuyển thuốc cho tất cả các địa phương khi cần. Trong đó, cần lưu trữ sẵn các loại như BAT, thuốc giải độc rắn… để sẵn sàng cứu người khi có ca bệnh.

"Thực tế, thuốc hiếm do ít ca phải sử dụng, giá trị rất lớn, đắt đỏ, nếu lưu trữ lâu sử dụng sẽ phải tiêu hủy vì hết hạn sử dụng. Do đó, cần có quy chế rõ ràng về việc lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia" - BSCK2 Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy, kiến nghị. 

Làm càng sớm càng tốt

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Giám đốc BV quận 7 (TP HCM), vừa qua BV này có giai đoạn ngắn ngày thiếu thuốc mê, sau đó đã bổ sung được 600 ống. Thuốc này rất quan trọng trong phẫu thuật. Đặc điểm của thuốc này không phải là hiếm có, mà là hiếm khi sử dụng dù cần thiết, có khi một năm chỉ vài ca cần sử dụng, giống như ca ngộ độc botulinum vừa rồi. Nếu một BV đấu thầu vài ống thuốc này thì chắc chắn sẽ không có công ty dược nào chịu cung ứng. Do đó, việc lập kho thuốc hiếm dùng là cần thiết, hợp lý, làm càng sớm càng tốt. Thậm chí, đó nên là trung tâm dự trữ thuốc được Bộ Y tế mua và sẵn sàng cung cấp miễn phí, thay vì đấu thầu hộ các BV. Trung tâm này nên đặt tại mỗi tỉnh, do Sở Y tế hoặc BV tuyến trung ương đóng ở đó quản lý, nhằm có thể cung cấp nhanh nhất cho các BV sử dụng, bảo đảm hiệu quả điều trị tốt nhất.

Theo BS Quách Thanh Hưng, Giám đốc BV Nguyễn Trãi (TP HCM), thuốc hiếm có một số điều kiện riêng như điều kiện bảo quản, điều kiện bệnh tật. Vì vậy, nếu có trung tâm điều phối các loại thuốc này sẽ giải quyết tình trạng cần thuốc gấp mà không có, hay việc các BV đấu thầu thuốc hiếm nhưng không dùng tới, thuốc hết hạn sử dụng sẽ gây lãng phí.

Ng.Thuận

Thiếu thuốc hiếm dành cho thai phụ

Gần đây, một số thai phụ có nhóm máu hiếm phải tìm thuốc Anti-D vì BV thông báo hết thuốc.

BV Từ Dũ (TP HCM) cho biết thuốc Anti-D tại đơn vị đã hết gần 1 tháng qua và đã báo cáo Sở Y tế TP HCM, hiện Bộ Y tế đã hỗ trợ cho một hai công ty nhập thuốc nên dự kiến trong tháng 4 sẽ có. Đây là vấn đề chung của cả ngành y tế chứ không chỉ riêng BV Từ Dũ. Anti-D là kháng thể giúp trung hòa kháng nguyên bất thường của thai nhi đi vào máu mẹ, có thể gây nên bệnh cảnh tán huyết. Thuốc này nằm ngoài danh mục thuốc thiết yếu.

BV Hùng Vương (TP HCM) cho biết hiện vẫn có thuốc Anti-D, sản phụ có nhóm máu hiếm Rh- vẫn được tiêm theo tuần tuổi thai và BV này luôn cố gắng bảo đảm số lượng thuốc Anti-D cho thai phụ. Các bác sĩ sản khoa cho hay đa số dân có nhóm máu Rh+, một tỉ lệ nhỏ sẽ có nhóm máu Rh-. Khi phụ nữ nhóm máu Rh- kết hôn với người có máu Rh+, thai nhi nếu có nhóm máu Rh+ trái ngược với Rh- của mẹ sẽ sinh ra kháng thể chống lại mẹ.

H.Yến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo