Sở Y tế TP HCM cho biết liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức, TP HCM) vào đêm 30-9 làm 50 trẻ em bị ngộ độc, 1 bé đã tử vong, sở đã tổ chức cuộc họp khẩn với các chuyên gia vào sáng 4-10.
Xác định "sát thủ" gây ngộ độc
Tại buổi họp, các chuyên gia khẳng định đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo...).
Về loại thực phẩm gây ra ngộ độc, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc trung thu). Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn. Tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).
Sở Y tế cho biết đáng lưu ý có trường hợp không dự tiệc trung thu tại chung cư trên nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc trung thu mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó. Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn đang được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM xử lý.
Với kinh nghiệm trong công tác cấp cứu ngộ độc hàng loạt ở trẻ em nhiều năm qua, bác sĩ Bạch Văn Cam - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết có 2 nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm. Cụ thể: Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố Enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu. Nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân Salmonella spp gây ra.
Cũng liên quan đến sự việc trên, Sở Y tế TP HCM đã cử đoàn chuyên gia y tế khảo sát, đánh giá tình trạng ngộ độc. Kết quả, có khoảng 50 trường hợp cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm giống nhau như đau bụng, sốt, nôn ói... Qua điều tra, từ đêm 1-10 đến đêm 2-10, các bệnh nhân đã đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tập trung nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhi. Đồng thời, yêu cầu HCDC phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức điều tra dịch tễ, xét nghiệm độc chất nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra các trường hợp ngộ độc tương tự.
Đoàn công tác của ngành y tế TP HCM kiểm tra, đánh giá tình trạng ngộ độc thực phẩm sau đêm trung thu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức)Ảnh: HẢI YẾN
Tăng cường các biện pháp ứng phó
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, sau vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở tiệc trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức).
Chủ tịch UBND thành phố giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi, khẩn trương điều tra, đánh giá nguyên nhân gây ngộ độc, cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức; tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn, tránh để xảy ra việc ngộ độc tương tự trên địa bàn TP HCM; kịp thời báo cáo kết quả về UBND thành phố. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tăng cường xây dựng các tuyến bài viết phân tích cụ thể, dễ hiểu về phòng chống ngộ độc thực phẩm. Qua đó đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc sản xuất - kinh doanh, sử dụng thực phẩm.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm theo dõi sát tình trạng người bệnh, tích cực điều trị, bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh.
UBND TP Thủ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, nhanh chóng khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường triển khai công tác kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ việc bảo đảm an toàn thực phẩm phạm vi địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm khi nào cần nhập viện?
Bác sĩ Hà Văn Thiệu, giảng viên Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho biết thức ăn để lâu ngày có thể nhiễm nhiều loại vi trùng rất độc, trẻ ăn rất dễ bị ngộ độc. Dấu hiệu chung khi trẻ bị ngộ độc gồm: nôn ói nhiều, tiêu chảy, biểu hiện bất thường đường tiêu hóa, sốt cao... Lúc này, trẻ sẽ mệt lả, hạ đường máu, mất nước. Nếu phụ huynh nhận thấy trẻ có những bất thường trên phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Thiệu, trong trường hợp trẻ ngộ độc tử vong đa phần do phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn. Bởi lúc này, trẻ đã vào sốc mất nước, nhiễm trùng, hạ đường máu kéo dài dẫn đến tổn thương não. Tại bệnh viện nếu nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu ngộ độc, bác sĩ sẽ kiểm tra dấu hiệu sinh tồn cho trẻ như kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp để có biện pháp xử trí kịp thời. Nếu trẻ ngộ độc nặng sẽ được thải độc bằng cách rửa dạ dày, dùng thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu không có thuốc đặc hiệu sẽ điều trị theo triệu chứng (khống chế co giật, truyền dịch).
Chỉ cho trẻ về nhà trong trường hợp các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không có dấu hiệu chuyển nặng. Nhưng với điều kiện bác sĩ phải căn dặn rất kỹ người nhà, nếu người bệnh sốt cao, co giật, tiêu chảy nhiều cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.
H.Yến
Kiểm tra xưởng sản xuất bánh su kem
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 4-10, đại diện truyền thông Công ty CP Bánh Givral cho biết hiện ban lãnh đạo công ty đang tích cực làm việc với cơ quan chức năng, chờ có kết luận chính thức sẽ thông tin đến báo chí. Liên quan đến câu hỏi của phóng viên như kết quả tự rà soát quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, bán hàng; các biện pháp xử lý vụ việc... chỉ được ghi nhận chờ trả lời sau.
Theo website của hãng, Givral là thương hiệu bánh nổi tiếng tại TP HCM với lịch sử hơn 70 năm với 36 cửa hàng phân phối tại TP HCM và Hà Nội. Trước đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM thông tin đã kiểm tra cửa hàng bánh Givral (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh), xưởng sản xuất bánh su kem Givral (KCN Tân Bình, quận Tân Phú) và chưa phát hiện vi phạm tại 2 cơ sở. Đoàn kiểm tra đã lấy 6 mẫu để đi kiểm nghiệm (1 mẫu bánh và 5 mẫu nguyên liệu).
N.Ánh
Bình luận (0)