xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khẩn trương rà soát cây xanh trong trường học

NHÓM PHÓNG VIÊN

TP HCM và nhiều tỉnh, thành chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng cây xanh trong nhà trường để có phương án xử lý rủi ro, bảo đảm an toàn cho học sinh

Sau vụ việc cây phượng vĩ bật gốc vào sáng 26-5 tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) khiến 1 học sinh (HS) tử vong và nhiều em bị thương, ngày 27-5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đã có công văn yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn TP tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích.

TP HCM: Rà soát toàn bộ

Theo đó, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các trường thực hiện các nội dung như: Rà soát công tác ký liên tịch với địa phương nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại đơn vị; chủ động xây dựng phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão lũ kết hợp thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh; xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên, nhà trường, kiểm tra bảo đảm an toàn hệ thống điện tại các phòng chức năng, phòng học, phòng thí nghiệm...

Tại TP HCM, hiện nay có khá nhiều ngôi trường trồng cây xanh trong khuôn viên. Đặc biệt là những ngôi trường cổ, được xếp hạng di tích như Trường THCS Hồng Bàng, Trường THPT Marie Curie, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn... Những trường này có nhiều cây xanh cổ thụ tồn tại lâu đời.

Liên quan đến chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP, nhiều trường khẳng định thời gian qua luôn đề cao việc vừa nỗ lực tạo mảng xanh trong trường học vừa nâng cao trách nhiệm đề phòng, bảo đảm an toàn cho HS.

Khẩn trương rà soát cây xanh trong trường học - Ảnh 1.

Nhiều trường học ở TP HCM thực hiện nghiêm túc việc chăm sóc cây xanh để vừa tạo mảng xanh vừa bảo đảm an toàn cho học sinh Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), nhà trường thường liên hệ với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM để rà soát, mé cành, mé nhánh trước thời điểm năm học mới bắt đầu và trước mùa mưa. Với những cây cổ thụ lâu năm được đánh số quản lý, trường cũng chủ động yêu cầu phía công ty đánh giá, rà soát, xử lý.

Trường THPT Marie Curie (quận 3) có 30 cây xanh cổ thụ, đường kính lớn, cao hàng chục mét. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Đăng Khoa khẳng định mỗi năm nhà trường ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP đến mé nhánh, tỉa cành. Trường còn có một nhân viên chuyên phụ trách việc chăm sóc các cây cảnh, tỉa những cành thấp, quan sát từng cây để nếu có gì đột xuất thì báo cáo có hướng xử lý ngay. "Mỗi năm trường đều dành kinh phí khá lớn thuê bộ phận có chuyên môn cho việc quản lý cây xanh. Phụ huynh nhà trường cũng rất ủng hộ vì tính mạng, an toàn của HS là quan trọng nhất" - ông Khoa nói.

Sở Xây dựng TP HCM cho biết hiện nay, tổng số lượng cây xanh do Trung tâm Quản lý hạ tầng thuộc sở và UBND quận, huyện quản lý hơn 183.000 cây. Việc quản lý cây xanh được phân cấp theo từng tuyến đường và từng khu vực. Sau sự cố ngã cây tại Trường THCS Bạch Đằng, sở đã có văn bản chỉ đạo tổng rà soát cây xanh trên địa bàn. Cũng theo Sở Xây dựng, trong năm 2019, tại TP HCM có 446 cây bị ngã và 738 cây bị gãy nhánh. Tác động của đô thị hóa, nhất là việc ngày càng nhiều nhà cao tầng mọc lên là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng đường hầm làm cho cây xanh dễ ngã đổ và gãy tét nhánh. Do vậy, việc rà soát, đánh giá tình trạng cây xanh là rất quan trọng.

Bài học đắt giá

Vụ việc xảy ra ở TP HCM là bài học đắt giá cho các nhà trường, đơn vị quản lý xây xanh trong việc bảo vệ an toàn cho HS.

Tại TP Hà Nội, việc quản lý cây xanh ở nhiều trường học được cho là khá nghiêm túc. Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, nhấn mạnh ngay từ đầu năm, sở đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã (được phân cấp quản lý cây xanh trong trường học), yêu cầu chỉ đạo đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, tăng cường kiểm tra, xử lý cắt tỉa hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm. Nếu để cây gây nguy hiểm, không được xử lý kịp thời, tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.

Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ cũng vừa chỉ đạo các trường rà soát lại cây xanh trong trường. Ở TP Cần Thơ, công tác này được quán triệt thường xuyên trong nhà trường. UBND TP có ra văn bản hạn chế trồng phượng vĩ, thay dần bằng các cây sao, xà cừ.

Tại tỉnh Khánh Hòa, trong năm học 2019-2020, số lượng HS các cấp học trên địa bàn tỉnh là hơn 283.000 HS. Ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, nói từ đầu năm học, sở đã triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn cho HS, trong đó yêu cầu các phòng GD-ĐT cấp huyện và nhà trường phải có phương án cụ thể trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh. Hiện nay, nhiều trường học ở tỉnh Khánh Hòa sử dụng bạt che để thay dần cho cây cổ thụ.

"Việc cây phượng vĩ đổ vừa qua là bài học cho chúng tôi trong bảo vệ cây xanh, bảo đảm an toàn cho HS, thầy cô" - bà Đỗ Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, bày tỏ. Theo bà Hòa, để phòng ngừa rủi ro, Sở GD-ĐT TP Hải Phòng chỉ đạo các trường học trên địa bàn khẩn trương rà soát cây xanh. Sở cũng đang kết hợp với các công ty cây xanh, môi trường đô thị thực hiện kiểm tra, rà soát, nắm bắt tuổi thọ của cây để có biện pháp xử lý.

Vấn đề bà Hòa băn khoăn nhất hiện nay là khó có thể ngăn chặn rủi ro từ đầu, bởi việc kiểm tra cây hư hỏng, sâu bệnh không thể nhận dạng bằng mắt thường.

Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, dù hằng năm đều thuê các đơn vị chuyên chăm sóc cây xanh về để cắt tỉa, xác định tuổi cây… nhưng nhiều trường lúng túng, không biết nên trồng loại cây nào cho an toàn do quy định về cây xanh trong khuôn viên trường chưa có.

Còn theo bà Ông Thị Thái Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (TP Đà Nẵng), dù công việc chăm sóc cây xanh được thực hiện rất nghiêm túc nhưng ngay cả phía công ty cây xanh cũng không thể chắc chắn về độ an toàn của cây. 

Báo Người Lao Động hỗ trợ gia đình học sinh tử nạn

Sáng 27-5, đại diện Báo Người Lao Động đã đến thăm hỏi, chia sẻ cùng gia đình ông Nguyễn Duy Trung (SN 1967, cha của em Nguyễn Trung Kiên) và trao tặng số tiền 5 triệu đồng trích từ quỹ xã hội của báo.

7-IMG_8651

Đại diện Báo Người Lao Động (phải) trao tiền hỗ trợ cho gia đình học sinh tử nạn bởi cây ngã đổ đè lên Ảnh: PHẠM DŨNG

Trước đó, sáng 26-5, một cây phượng vĩ to trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) bất ngờ bật gốc vào thời điểm nhiều HS chuẩn bị vào lớp khiến nhiều em bị thương, em Nguyễn Trung Kiên (SN 2008) tử vong.

Đến ngày 27-5, em N.L.H.M (bị gãy xương cẳng tay phải, chấn thương cột sống, chấn thương bụng kín) và em T.K.H (bị gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân trái, chấn thương bụng kín) đã được phẫu thuật kết hợp xương bằng phương pháp đóng đinh nội tủy. Hai em L.G.M và N.A.T đang được theo dõi tiếp ở Khoa Ngoại thần kinh. Bốn em còn lại nhẹ hơn, tỉnh táo nên đã được khám và điều trị ngoại trú.

Ph.Dũng - N.Thạnh

Các nước quản lý cây xanh ra sao?

Ở các nước phát triển trên thế giới, việc đốn hạ, di dời cây xanh đều được quy định cụ thể và thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.

Tại Singapore, nhằm cải thiện quá trình kiểm tra và quản lý hơn 2 triệu cây xanh, Ủy ban Công viên quốc gia (NParks) đã thử nghiệm một cảm biến điện tử có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất ổn về cấu trúc cây xanh. Điều này giúp xác định những sự cố tiềm ẩn để sớm có biện pháp phòng ngừa.

Từ năm 2003, NParks cũng đã thực hiện chương trình thay cây xanh để thay một cách có hệ thống những cây dễ bị ngã đổ trong bão bằng các cây thích hợp khác. NParks cũng thành lập Trung tâm Cây xanh và Sinh thái đô thị vào năm 2007 như một cơ sở đào tạo quốc gia nhằm cung cấp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho lao động trong lĩnh vực cây cảnh.

Theo chương trình quản lý cây xanh của NParks, cây mọc dọc các con đường lớn hoặc khu vực có nhiều người qua lại được kiểm tra ít nhất 12 tháng/lần. Các chi tiết kiểm tra được nhập vào cơ sở dữ liệu để tham khảo trong tương lai. Khi cần thiết, cây xanh được cắt tỉa nhằm giảm nguy cơ tiềm tàng trước những cơn gió to.

Ở Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo quy định rất chi tiết các công việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh; quy trình bảo dưỡng và các thông số kỹ thuật tiêu chuẩn buộc các nhà thầu chịu trách nhiệm bảo dưỡng cây xanh đường phố phải tuân thủ.

X.Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo