Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ vừa ký văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, cơ quan công an phát hiện một số sai phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông, đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhiều bị can liên quan để điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại hơn 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, có 55/281 đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các đơn vị đăng kiểm, nhất là tại TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Hòa Bình… ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới cho người dân, doanh nghiệp…
Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm xe cơ giới, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT sớm nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn để cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hiện nay và xu thế phát triển. Trước mắt, trong thời gian xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định ôtô.
Cụ thể, đối với các quy định hiện hành tại Nghị định 139: "Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao" nay Bộ GTVT đề nghị áp dụng: "Mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí một đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra". Lý do là khi áp dụng quy định mới này sẽ sử dụng, khai thác tối đa được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 2 điều 14 quy định hiện hành: "Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định" nay đề nghị áp dụng: "Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định. Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô từ 36 tháng trở lên, từ 24 tháng đến dưới 36 tháng, từ 12 tháng đến dưới 24 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) thì thời gian thực tập tối thiểu tương ứng lần lượt là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng". Lý do, theo Bộ GTVT, là giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.
Không phạt xe quá hạn đăng kiểm 15 ngày
Bộ GTVT cũng đề nghị một số nội dung khác nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc đăng kiểm, tạo thuận lợi cho người dân. Cụ thể, cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Nhiều trung tâm đăng kiểm ở TP Hà Nội xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.Ảnh: HỮU HƯNG
Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng theo quy định tại điều 10 Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139. Kiến nghị cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm.
Đồng thời, cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và các trang thiết bị, nhân lực đáp ứng QCVN 103:2019/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới) được phép hoạt động kiểm định ôtô.
Tại khoản 3 điều 19, Bộ GTVT đề nghị áp dụng trường hợp đăng kiểm viên đã bị thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 6 điều 18 Nghị định 139 (bao gồm các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu theo chế độ) được đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên. Lý do là bỏ thời gian thực tập đối với các đăng kiểm viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế mà không trực tiếp thực hiện công tác kiểm định hoặc hướng dẫn, đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên quá 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, tại điều 26 hiện hành quy định số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 8 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời các quy định như sau: Trường hợp một đăng kiểm viên kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20; trường hợp nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên. Không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II. Bộ GTVT đề nghị không áp dụng điều 26 nêu trên với lý do không giới hạn công suất để phát huy hết năng lực của đơn vị đăng kiểm.
Bắt, giữ nhiều lãnh đạo trung tâm đăng kiểm
Ngày 10-3, Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Đoàn Văn Hiếu (37 tuổi, trú tại TP Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-13D; ông Phạm Văn Tài (40 tuổi, trú tại tỉnh Bắc Giang), phó giám đốc trung tâm, cùng 4 đăng kiểm viên trung tâm nêu trên để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Tối cùng ngày, Cơ quan Điều tra đã khởi tố và bắt 2 phó giám đốc Lê Minh Quang, Nguyễn Mạnh Tường và 2 đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm 61-08D (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), vì trong quá trình kiểm định phương tiện đã làm trái quy định.
Công an tỉnh Hải Dương tối 10-3 cũng đã khởi tố các ông Nguyễn Phú Nam, Giám đốc và Đỗ Văn Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 34-04D; Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Alpha, về tội "Nhận hối lộ".
Ng.Hưởng - T.Nguyễn - Tr.Đức
Bộ Nội vụ vừa trả lời về đề nghị của Bộ GTVT cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại 17 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc cục. Theo Bộ Nội vụ, nếu đã được xác định là đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì việc ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện theo đúng quy định tại nghị định này và các quy định khác có liên quan tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP.
M.Chiến
Bình luận (0)