Ngày 17-11, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tiếp tục phê duyệt phương án trục vớt thêm 4 tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn do cơn bão số 12 gây ra vào sáng 4-11. Như vậy, đến thời điểm này, trong số 10 tàu chìm, mắc cạn, vẫn còn 3 tàu chưa được phê duyệt phương án trục vớt.
Tang thương vùng biển
Cùng ngày, trên vùng biển Quy Nhơn, 14 thợ lặn của Công ty TNHH Trục vớt Bảo Trân khẩn trương trục vớt lô hàng gần 3.000 tấn gạo và cám thành phẩm của tàu hàng Hà Trung 98 để đưa lên bờ. Dự kiến nếu thời tiết thuận lợi, sau 10 ngày nữa toàn bộ số hàng trên được trục vớt xong. Trước đó, đơn vị này cũng đã hút 5.000 lít dầu DO còn trong các két chứa dầu của tàu, đưa vào bờ an toàn.
Cách tàu Hà Trung 98 vài hải lý, dưới sự giám sát của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung cùng một số cơ quan chức năng, DNTN Hậu Sanh cũng gấp rút triển khai công tác hút dầu trên tàu Fei Yeu 9 bị sóng đánh dạt, đang mắc kẹt tại vùng biển Ghềnh Ráng. Theo báo cáo của chủ tàu Fei Yeu 9, trong tàu còn 23.730 lít dầu FO và 851 lít dầu DO.
Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn báo cáo đến thời điểm này có 4 doanh nghiệp đang triển khai thực hiện việc trục vớt tàu chìm, mắc cạn trên vùng biển Quy Nhơn. Trong đó, ngoài 2 doanh nghiệp đang trục vớt các tàu trên, Công ty Quang Thọ và Công ty Thanh Hùng cũng đang lập phương án trục vớt tàu Biển Bắc 16.
Cùng với hoạt động trục vớt, hiện 5 tàu của các đơn vị chức năng và nhiều tàu cá của ngư dân địa phương tiếp tục tìm kiếm 2 thuyền viên mất tích còn lại trên vùng biển Quy Nhơn trong sự cố chìm tàu trên. Trước đó, sự cố 8 tàu hàng bị chìm trong cơn bão số 12 đã khiến 84 thuyền viên rơi xuống biển. Đến nay, các lực lượng chức năng đã cứu được 71 thuyền viên, tìm thấy 11 thi thể.
Phao vây được bao xung quanh tàu chìm để ngăn sự cố tràn dầu
Ngăn tràn dầu ra biển
Theo thống kê của cơ quan chức năng, số lượng dầu trên các tàu chìm, mắc cạn tại vùng biển Quy Nhơn ước tính khoảng 211.686 lít dầu D.O, 8.000 lít dầu FO. Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, cho biết vấn đề cần giải quyết cấp bách nhất hiện nay là xử lý toàn bộ số dầu bên trong các tàu hàng bị chìm để tránh sự cố tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường.
"Dù các chủ tàu đều báo cáo tất cả hầm dầu bên trong tàu chìm đều đã đóng nhưng thời gian qua, chúng tôi vẫn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung liên tục kiểm tra trên biển và trên bờ để kịp thời xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi đang lo quá trình tác động của sóng biển có thể gây ra sự cố tràn dầu. Do đó, ưu tiên nhất hiện nay là hút hết dầu trong tất cả tàu chìm rồi mới tiến hành trục vớt hàng hóa, tiếp đó là thân tàu" - ông Thành nói.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng khẳng định ngay sau khi xảy ra sự cố chìm tàu, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ quốc gia nhanh chóng thực hiện phương án trục vớt tàu, bằng mọi cách không để xảy ra sự cố tràn dầu. "Phải nỗ lực trục vớt ngay các tàu bị chìm để phòng tránh sự cố và cũng để thông luồng lạch nhằm giúp các cảng biển hoạt động trở lại bình thường" - ông Dũng chỉ đạo.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm
Liên quan đến sự cố 8 tàu hàng bị chìm, UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản phê bình lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, yêu cầu đơn vị này nghiêm túc rút kinh nghiệm do không kịp thời báo cáo số lượng tàu thuyền bị trôi, đắm tại khu vực cảng biển Quy Nhơn để có biện pháp ứng cứu kịp thời. Giải thích về vụ chìm tàu này, ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, xác nhận thời điểm xảy ra sự cố, phần lớn tất cả các tàu hàng chìm, mắc cạn đều đang neo đậu ở phao số 0. Do vùng neo đậu tàu thuyền phía trong cảng Quy Nhơn chỉ có 7 điểm với số lượng tàu neo đậu khoảng 20 chiếc, trong khi thời gian đối phó cơn bão số 12 quá gấp nên tất cả 53 tàu dưới 3.000 tấn đang làm hàng trong cảng được neo lại tránh bão. Các tàu thuyền đi ngang qua vùng biển Quy Nhơn không thể vào được vì không còn chỗ neo đậu.
Bình luận (0)