Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đến trưa nay (3-11), 2 thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ đã nâng mức xả lũ lên trên 3.000 m3/giây. Trong đó, thủy điện Sông Ba Hạ là 1.800m3/giây, còn thủy điện Sông Hinh là gần 1.300m3/giây. Việc xả lũ này nhằm đưa mực nước về mực nước đón lũ của các hồ thủy điện.
Kiểm tra hệ thống điện tại Phú Yên trước khi lũ đến
Theo Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ, do hoàng lưu bão số 12 kết hợp với đợt không khí lạnh tràn về, dự báo lượng mưa trong lưu vực sông Ba sẽ lên gần 1.000mm, khả năng gây lũ lịch sử tương đương năm 2009. Đây là năm mà thủy điện này xả lũ với lưu lượng "khủng", 14.500m3/giây. Đây cũng là năm lũ cướp đi sinh mạng hơn 80 người dân Phú Yên.
Toàn bộ tàu thuyền ở Phú Yên đã được kéo thẳng lên bờ
Đến sáng nay, bầu trời ở Phú Yên mù mịt. Người dân Phú Yên đang "nín thở", căng mình chạy đua thời gian trước khi lũ đến. Toàn bộ nhà dân ở các khu vực trũng thấp đều phải di chuyển tài sản và người già, phụ nữ, trẻ em đến những nơi cao ráo. Tàu thuyền ngư dân đều được kéo thẳng lên bờ.
Nhà nhà phát dọn...
và chằng néo cây xanh trước khi báo, lũ đến
Đầu giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ có chuyến thị sát công tác phòng chống lũ và bão số 12 tại Phú Yên trước khi vào Khánh Hòa chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 12 (Damrey).
Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), sáng cùng ngày, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã chủ trì cuộc họp yêu cầu các địa phương trong tỉnh ngừng những cuộc họp, công việc không cấp bách để tập trung sức lực phòng chống bão số 12 (Damrey).
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngành giáo dục tỉnh cho tất cả học sinh nghỉ học từ ngày 3 đến 5-11, đồng thời họp khẩn phòng chống bão Damrey
Ông Vinh yêu cầu cấm tất cả đơn vị lữ hành trên địa bàn đưa du khách tham quan các đảo. Tàu, thuyền không được ra khơi, phải neo đậu vào bờ. Đặc biệt, hồ chứa nước cần điều tiết, khi xả lũ phải hợp lý tránh trường hợp lũ dồn dập. Những dự án, công trình đang thực hiện có hố sâu cần phải có rào chắn, đặt cảnh báo đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo công tác phòng chống bão Damrey
Toàn tỉnh, theo rà soát của các địa phương tổng số người dân cần phải sơ tán khi bão đổ bộ là 133.535 người (trong đó sơ tán tại chỗ 34.818 người; sơ tán đến khu vực khác 98.717 người). Ông Vinh yêu cầu khu vực thấp trũng có nguy cơ sạt lở, lực lượng tại chỗ ở địa phương kiểm tra, sơ tán dân đến nơi an toàn; lồng bè của người dân phải di dời, không để người trên lồng bè khi bão vào.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 9.800 tàu thuyền với hơn 730 lao động; trong đó 230 tàu cá với hơn 1.200 thuyền viên đang hoạt động trên biển được thông báo, kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 1.500 dân quân tự vệ tại các đơn vị, địa phương sẵn sàng ứng phó.
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết sáng 3-11, 2 nạn nhân ở phường Ninh Đa, Ninh Phú bị nước cuốn trong khi đánh cá đang được cơ quan chức năng tìm kiếm. Trước đó, ngày 2-11, 1 nạn nhân khác cũng bị nước cuốn ở phường Ninh Đa vẫn chưa được tìm thấy.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 12, thị xã Ninh Hòa đã có mưa lớn đến rất lớn. Nước sông Dinh ở Ninh Hòa vượt báo động III gây ngập lụt ở nhiều nơi. Chính quyền đã cảnh báo nhưng người dân vẫn chủ quan.
Thị xã Ninh Hòa thiệt hại từ các đợt mưa lũ vừa qua
Tính đến 6 giờ ngày 3-11, theo báo cáo sơ bộ, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã làm 1 người mất tích ở thị xã Ninh Hòa, 5 nhà hư hỏng; thiệt hại 1.620 ha lúa hoa màu bị ngập, 5.700 con gia cầm và 200 con gia súc bị chết, cuốn trôi; khoảng 2.350 m đường bị sạt lở, 3.100 m kênh bị sạt lở. Tổng ước tính thiệt hại ban đầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 40 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết sáng nay 2 nạn nhận nữa ở phường Ninh Đa, Ninh Phú bị nước cuốn trong khi đánh cá đang được cơ quan chức năng tìm kiếm. Trước đó ngày 2-11, 1 nạn nhân khác cũng bị nước cuốn ở phương Ninh Đa vẫn chưa được tìm thấy.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 12, thị xã Ninh Hòa đã có mưa lớn đến rất lớn. Nước sông Dinh ở Ninh Hòa vượt báo động III gây ngập lụt ở nhiều nơi. Chính quyền đã cảnh báo nhưng người dân vẫn chủ quan.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khu vực IV đóng tại Khánh Hòa thông tin đang cử lực lượng cứu nạn tìm kiếm tàu cá BĐ 98079 TS (do anh Võ Văn Dũng, SN 1989; ngụ tỉnh Bình Định làm chủ) cùng 13 thuyền viên.
Tàu này bất ngờ bị hỏng hộp số, mất khả năng điều khiển khi trên đường về bờ. Khi phát thông báo cứu nạn, tàu cách TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 40 hải lý về hướng Đông Đông Bắc. Thời tiết tại khu vực rất xấu, biển động dữ dội khiến sức khỏe thuyền viên suy sụp, tinh thần cực kỳ hoảng loạn.
"Tàu SAR 274 được lệnh chạy hết tốc lực về phía tàu bị nạn. Chúng tôi đang chạy đua với bão để tiếp cận, cứu tàu và ngư dân. Đầu giờ chiều chúng tôi đã tiếp cận, trợ bơm hút, chống nước vào tàu. Dự kiến, chiều tối nay sẽ đưa các ngư dân vào bờ"- ông Bình nói.
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp khẩn với UBND tỉnh Khánh Hòa, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa – Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng nhận định: "Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ trong vòng 20 năm nay. Mức độ nguy hiểm của nó tương đương, thậm chí còn lớn hơn cơn bão số 10 đã đổ bộ vào miền Trung. Một điều đáng lo là Khánh Hòa ít bị bảo đổ bộ nên tâm lý người dân rất chủ quan, ít có kinh nghiệm trong ứng phó với bão. Khánh Hòa là địa phương dễ tổn thương bởi bão lớn, nhất là cơn bão mạnh như cơn bão số 12 sắp đổ bộ tới đây".
Tại Bình Thuận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh này yêu cầu các ban quản lý khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng,… trên địa bàn toàn tỉnh từ 8 giờ sáng nay cho đến khi bão số 12 tan hẳn.
Qua đó, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận yêu cầu các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc tập trung cứu người, cứu tài sản của nhân dân và Nhà nước, di dời du khách tại các cơ sở lưu trú du lịch ven biển đến nơi bảo đảm an toàn.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận Phan Đoàn Thái cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị thủ trưởng các đơn vị giáo dục trong tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7 (4-11) và ngày chủ nhật (5-11) để phòng tránh cơn bão số 12.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đến trưa 3-11, qua kiểm tra, rà soát, toàn bộ số tàu thuyền toàn tỉnh là gần 7.400 chiếc/39.772 lao động đã vào nơi tránh, trú bão an toàn.
Tại huyện đảo Phú Quý, từ chiều qua (2-11), Chủ tịch UBND huyện Phú Quý đã chỉ đạo, phân công các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo huyện trực tiếp xuống từng xã để chỉ đạo công tác phòng chống bão. Đồng thời, yêu cầu các xã cử lực lượng trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra
Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý đã kêu gọi toàn bộ 1.412 tàu, thuyền của huyện đang đánh bắt trên biển vào neo đậu an toàn tại các cảng trong và ngoài tỉnh Bình Thuận. Phòng Kinh tế huyện Phú Quý đã cử cán bộ hướng dẫn các hộ nuôi trồng hải sản chằng buộc lồng bè nhằm giảm tối đa thiệt hại nếu bão đổ bộ.
Tính đến 16 giờ chiều ngày 3-11, thời tiết tỉnh Bình Thuận vẫn nắng ráo bình thường. Tuy nhiên, công tác phòng chống bão số 12 lịch sử đã được tỉnh này triển khai khẩn trương sẵn sàng ứng phó.
Riêng tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), ông Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện này cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, toàn bộ các tàu vận tải từ Phú Quý đi TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và ngược lại đã được yêu cầu ngưng hoạt động từ 22 giờ ngày 2-11.
Người dân Bình Thuận tranh thủ thu hoạch thanh long tránh bão
Ông Nhựt cũng cho biết các tàu thuyền trên đảo đã được đưa lên bờ, một số đưa vào nơi neo đậu an toàn. Hơn 1.000 lồng nuôi cá của người dân đã được chằng buộc cẩn thận. Huyện đã dừng tất cả các cuộc họp để tập trung công tác phòng chống bão, về lương thực, nhu yếu phẩm đã được tích trữ đảm bảo cho người dân trên đảo.
Tại tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh và các phó chủ tịch đã thành lập các đoàn công tác về các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và TP Phan Rang – Tháp Chàm để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 12.
Hiện tại huyện đảo Phú Quý gió đang mạnh dần lên khoảng cấp 7, giật cấp 8.
Ngày 3-11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bình Thuận đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc thông báo tạm dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng,… trên địa bàn toàn tỉnh từ 8 giờ ngày 3-11 cho đến khi bão số 12 tan hẳn. Đồng thời, chú ý phương án di dời du khách tại các cơ sở lưu trú du lịch ven biển đến nơi bảo đảm an toàn nếu bão đổ bộ.
Tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng biển Phan Thiết (Bình Thuận).
Cùng ngày, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận Phan Đoàn Thái cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị thủ trưởng các đơn vị giáo dục trong tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7 (4-11) và ngày chủ nhật (5-11) để phòng tránh cơn bão số 12.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đến trưa 3-11, qua kiểm tra, rà soát, toàn bộ số tàu thuyền toàn tỉnh là gần 7.400 chiếc/39.772 lao động đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
Người dân khẩn trương thu hoạch thanh long trước bão 12 đổ bộ.
Đến trưa nay, hàng ngàn người dân sống ven bờ sông Dinh (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước), Phước Bình, Ninh Bình (huyện Bác Ái), thôn Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Ninh Hải), dân cư dưới chân đèo Ngoạn Mục (huyện Ninh Sơn) đã chuẩn bị đồ đạc, chèn chống nhà cửa để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi chính quyền địa phương phát lệnh.
Theo chỉ đạo của ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện các đơn vị vũ trang gồm hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với các lực lượng tại chỗ của địa phương khoảng 500 người đang trong tư thế sẵn sàng ứng cứu, giúp dân nếu xảy ra tình huống xấu khi bão đổ bộ vào Ninh Thuận.
Đến 13 giờ cùng ngày, công tác chèn chống nhà cửa, dự trữ lương thực, nước uống của người dân cơ bản đã hoàn tất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết trong chiều nay, học sinh của một số huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 sẽ được nghỉ học sớm và trong ngày mai (4-11), học sinh toàn tỉnh sẽ được nghỉ học để tránh bão.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, hiện có trên 3.000 tàu thuyền của ngư dân Ninh Thuận và một số tỉnh bạn đã neo đậu an toàn ở các cảng cá trong tỉnh; một số tàu địa phương đang đánh bắt ở các tỉnh phía Nam cũng đã trú bão an toàn.
Chuẩn bị vật tư chống bão
Neo lồng bè
Kéo thuyền lên bờ
Người dân huyện Phú Quý chèn chống nhà cửa
Bình luận (0)