Động thái này nhằm hoàn thiện hơn, hài hòa lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
Cấp quyền khai thác tài nguyên nước liên quan đến vấn đề cốt lõi của đời sống: quyền lợi sử dụng nguồn nước. Khi dân số còn thấp, diện tích đất tự nhiên lớn, các ngành sản xuất - kinh doanh liên quan đến nước chưa có gì thì nguồn tài nguyên này hầu như được sử dụng vô tội vạ, hoang phí. Vào thời kỳ diện tích đất nông nghiệp còn tăng đột biến, sản xuất công nghiệp, thủy điện... phát triển nhanh thì nguồn lợi này tất yếu bị giằng xé, xung đột ngày một cao giữa các nhóm lợi ích, nhóm đối tượng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2018, cả nước có đến 818 thủy điện, trong đó đã đưa vào sử dụng 385 công trình. Tổng dung tích nước sử dụng lên đến 56 tỉ m3, chiếm khoảng 86% dung tích các hồ chứa trong cả nước. Về lý thuyết, ngoài việc phục vụ phát điện, hồ chứa thủy điện còn góp phần quan trọng vào việc cắt/giảm/làm chậm lũ trong mùa mưa; bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt... cho vùng hạ du trong mùa cạn. Thế nhưng, thực tế rất nhiều thủy điện nghiễm nhiên chiếm cứ nguồn nước để tăng lợi ích kinh doanh và đẩy thiệt thòi cho các vùng sản xuất của cộng đồng. Các tỉnh miền Trung mùa khô năm nào cũng khốn khổ bởi nguồn nước cạn kiệt và việc tích nước thủy điện làm trầm trọng thêm thực trạng này. Ngược lại, mùa lũ đến, thủy điện sợ vỡ đập, xả nước ồ ạt, người dân lãnh đủ.
Điều này đã được dự báo từ trước khi các đập thủy điện được xây nhưng đến nay nó vẫn luôn diễn ra. Thủy điện là phương án kinh tế tốt nhưng phải nằm trong sự bảo đảm tuyệt đối về sản xuất và tính mạng người dân. Vả lại, nước là tài nguyên quốc gia, được cấp quyền khai thác thì nhà đầu tư phải đóng góp cho xã hội tương xứng với lợi ích có được.
Một vấn đề sinh tử khác: dễ dàng cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng liệu có bảo đảm an ninh nguồn nước cho người dân? Sau vụ ô nhiễm nước sông Đà làm đảo lộn cuộc sống hàng triệu người dân TP Hà Nội, hầu như các cơ quan chức năng mới giật mình về sự lỏng lẻo của an ninh nguồn nước. Đà Nẵng năm nào cũng khan nước sạch nhưng giải pháp mơ hồ.
Thậm chí, hầu hết các thành phố lớn chưa có phương án thay thế nếu nguồn cung cấp nước hiện tại xảy ra chuyện. Cũng chưa có hồ đập dự phòng được bảo vệ tuyệt đối nếu xảy ra khủng hoảng về nước.
Nguồn nước chính cung cấp cho các thành phố lớn chính là sông, hồ tại chỗ. Nhưng chính sông, hồ này cũng gánh luôn trách nhiệm tải nguồn thải của đô thị. Dân số ngày càng đông, sản xuất ngày càng lớn thì nguồn ô nhiễm xâm hại sông, hồ này ngày càng trầm trọng. Đến khi kỹ thuật và tốc độ xây dựng các trung tâm xử lý nước thải, trung tâm xử lý nước sạch không theo kịp thực trạng sẽ dẫn đến khủng hoảng nguồn nước. Điều này sẽ xảy ra không xa nữa.
Luật Tài nguyên nước đã ra đời hơn 7 năm nhưng những xung đột quyền lợi về nguồn nước vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Người dân nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng vẫn luôn yếu thế trong cuộc xung đột lợi ích từ nguồn tài nguyên đóng vai trò sinh tử: Nước. n
Bình luận (0)