Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi, cho biết từ 15 giờ ngày 21-8, Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 đã xả nước theo đề nghị của lãnh đạo TP Đà Nẵng vào sáng cùng ngày. Lưu lượng xả gấp đôi so với quy trình của ngày thường từ 12,5 m3/giây lên 25 m3/giây.
Người dân Đà Nẵng thiếu nước Ảnh: BÍCH VÂN
"Nếu không mang lại hiệu quả thì phải xem xét lại vì xả nước là đổ tiền ra biển. Việc xả nước trước mắt là đáp ứng nhu cầu của Đà Nẵng, chứ chưa có văn bản chính thức của cấp trên là Bộ Công Thương" - ông Tấn cho biết. Theo ông Tấn, việc xả nước từ hồ thủy điện Đắk Mi 4 cũng ảnh hưởng đến an ninh lưới điện quốc gia và gây thiệt hại kinh tế của Tập đoàn Điện lực, vì thế phải có ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nhà máy mới tiếp tục xả. Cũng theo ông Tấn, Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 xả nước không thông qua tổ máy nên không thu được tiền điện.
Còn ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, cho rằng đơn vị đã xả nước với lưu lượng trung bình hơn 70 m3/giây từ chiều 21-8, hiện mực nước trong hồ đã ở dưới mực nước chết. "Nếu xả 70 m3/giây thì hết tháng 8, hồ không còn nước. Chúng tôi đã cảnh báo cho Đà Nẵng nhưng họ vẫn quyết tâm muốn xả ngay. Tới tháng 9, nếu không có mưa thì các hồ như Sông Bung, Đắk Mi hay A Vương cũng trơ đáy, khi đó không còn nguồn nước nào để cứu nguy" - ông Thế nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), cho biết sau khi thủy điện xả nước từ chiều 21-8 thì đến 5 giờ ngày 22-8, nước mới về đến cửa thu Cầu Đỏ. Tuy nhiên, độ mặn ghi nhận được ở cửa thu này vẫn không giảm, nguồn nước thô không lấy được dẫn đến việc cấp nước ở địa bàn Đà Nẵng trong ngày 22-8 vẫn chưa cải thiện được. Ông Hương cho hay nếu các thủy điện tham gia điều tiết nhưng vẫn tiếp tục không cải thiện thì Ban Cấp nước an toàn TP Đà Nẵng sẽ họp và xử lý khẩn cấp. Theo các phương án cấp nước an toàn theo kịch bản đã được UBND TP Đà Nẵng thống nhất vào cuối tháng 5 vừa qua, TP Đà Nẵng thống nhất xây dựng đập tạm ngăn mặn tại hạ lưu cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ. Giải pháp thi công đập tạm đề xuất áp dụng phương án sử dụng 1 hàng cừ Lassen và hệ khung đỡ hai bên, vị trí dự kiến sẽ nằm cách Cầu Đỏ 3,5 km về phía hạ lưu, chiều dài đập khoảng 200 m. Ông Hương cho rằng trong tình hình cấp bách hiện nay, phương án này có thể được xem là hiệu quả, thời gian thực hiện ngắn nhất. Trong đó, DAWACO chủ động kinh phí thực hiện nhằm giải quyết nhanh tình huống nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ, chủ động được nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước sân bay để xử lý và có thể cấp nước an toàn và đầy đủ cho thành phố.
Mới chỉ mời thầu dự án Nhà máy Nước Hòa Liên
Giữa năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy Nước Hòa Liên theo hình thức BOT. Nhà máy Nước Hòa Liên dự kiến xây dựng với kinh phí 1.243 tỉ đồng dựa vào khả năng cân đối nguồn lực 2019 của TP, xây dựng trong khoảng 25 tháng. Đến thời điểm này, dự án Nhà máy Nước Hòa Liên mới chỉ ở giai đoạn thông báo lên mạng đấu thầu quốc gia để mời thầu.
Bình luận (0)