xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khát vọng mùa màng

Bài và ảnh: Hải Thanh

Có thể nói, từ khoán hộ đến khoán 10 là quá trình đổi mới, phát triển vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng

Phải 25 năm tôi mới có dịp gặp lại ông Chu Minh Chuật, Chủ nhiệm HTX toàn xã Đại Đồng giai đoạn 1989-1997. Nhớ đầu những năm 1990, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú (tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay) lần thứ VII, sau tham luận "Hợp Thịnh phát triển từ cây ngô đông", ông Chuật đã dám khẳng định: "Nhiều năm sau, Hợp Thịnh vẫn chưa bằng Đại Đồng hiện tại" (?).

Những dấu ấn đậm nét

Hợp Thịnh (thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) là xã từng nổi tiếng cả nước với mô hình trồng ngô đông trên đất ướt và làm thảm bẹ ngô xuất khẩu. "Sớm lúa, chiều ngô" đã trở thành câu cửa miệng ở Hợp Thịnh thời đó. Với công thức 2 lúa + 1 ngô/năm, Hợp Thịnh đã đưa tốc độ tăng sản lượng lương thực lên tới 223,6%. Chỉ tính trong giai đoạn 1982-1988, với năng suất ngô đông đạt tới 37,7 tạ/ha, Hợp Thịnh không chỉ giải quyết được lương thực mà còn có dự trữ hàng hóa, đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển ngành nghề. Sự liên kết với các nhà khoa học rồi tìm "đầu ra" cho nông sản… là những dấu ấn đậm nét ở Hợp Thịnh bấy giờ.

Khát vọng mùa màng - Ảnh 1.

Cây ớt - một trong những cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế cao ở HTX Nhân Lý

Trong khi ấy, Đại Đồng vẫn chỉ thuần nông không hơn không kém, thiếu đói là sự chung. Thế mà vừa làm chủ nhiệm HTX năm trước, năm sau ông Chuật đã mua xe U-oát phục vụ công tác. Chưa hết, ông còn vay cả triệu USD về xây dựng nhà trẻ, trụ sở làm việc, đường giao thông… Không ít người đã "choáng". Cả làng còn cồn cào, nheo nhóc vì đứt bữa, lại nảy nòi một ông chủ nhiệm chễm chệ trên U-oát ngày ngày rong ruổi Bắc - Nam.

Người ta kiện, đương nhiên ông Chuật phải giải trình. Lời qua tiếng lại, có lúc ông đã gắt: "Hãy tin tôi, người đảng viên này chỉ mang tiền về cho dân". Dù vậy, thiên hạ chỉ hết nghi ngờ khi Đại Đồng sôi động, trở thành điển hình một vùng sản xuất rau màu, là "chợ đầu mối" hàng hóa rau quả cho cả miền Bắc, thể hiện thực sự mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế tự chủ. Đại Đồng được thừa nhận có công lao huy động nguồn lực "đầu vào" và giải quyết việc làm cho xã viên, khi mặt hàng nông sản hãy còn khan hiếm.

Ghi nhận sự dũng cảm đột phá của ông Chuật làm tôi rưng rưng nhớ tới ông Kim Ngọc năm xưa. Nói ở thời điểm 1955, sau sự ra đời của HTX nông nghiệp thí điểm đầu tiên, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc phát triển rộng khắp trong tỉnh. Tính đến cuối năm 1960, toàn tỉnh thành lập được 1.350 HTX với trên 10.000 hộ nông dân. Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TƯ "Về một số vấn đề quản lý lao động trong HTX nông nghiệp hiện nay" đã tạo sinh khí mới, động lực mới làm thay đổi căn bản đời sống nông dân.

Có thể nói, từ khoán hộ đến khoán 10 là quá trình đổi mới, phát triển vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV đã ban hành nghị quyết về "Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020". Ngân sách tỉnh đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho mục tiêu. Đó chính là nền tảng khá vững chắc để Vĩnh Phúc đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Một lần nữa, đây có thể coi là sự "đi trước thời gian" của Vĩnh Phúc.

"Khát" vốn

Phát huy truyền thống từ điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp, cho đến nay, Hợp Thịnh vẫn là địa phương năng động, nhất là triển khai, thực hiện mô hình cánh đồng kiểu mẫu. Những sáng tạo trong sản xuất đã giúp Hợp Thịnh từng bước khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đã đạt trên 36 triệu đồng/người. Ở Đại Đồng, mặc dù giá trị sản xuất/ha canh tác năm 2015 đã đạt 115 triệu đồng, cơ sở vật chất, hạ tầng khá hoàn chỉnh; thương mại, dịch vụ phát triển là thế nhưng vẫn có tới trên 1.200 lao động ly hương. Vai trò của HTX không nhiều, chưa nói là mờ nhạt.

Thực tế, nông nghiệp chưa tạo ra được sự bứt phá cần thiết để tham gia xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững. Cái điệp khúc được mùa mất giá kéo dài đến mức nông dân cảm thấy bơ vơ trên chính quê mình. Số phận con người gắn liền với đất mà vẫn phải dứt áo ra đi, như con chim tìm nơi lánh khổ mà chưa biết bao lâu mới trở lại cánh đồng.

Với phương châm "không để người dân nào đứng ngoài sự phát triển", sau 6 năm thực hiện Chương trình NTM, hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước với 77/112 xã và 2 huyện (Yên Lạc, Bình Xuyên) đạt chuẩn NTM. Mặc dù hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia đã được chú trọng với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể song tiêu chí thứ 13 về năng lực hoạt động của các HTX ở Vĩnh Phúc vẫn còn là dấu hỏi.

Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, Vĩnh Phúc đã xây dựng đề án phát triển kinh tế tập thể đến năm 2020, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu có từ 70%-80% số HTX hoạt động hiệu quả, có trụ sở làm việc và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mỗi huyện, thành phố, thị trấn có từ 1-2 mô hình HTX kiểu mới điển hình trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Được giới thiệu về HTX "hạt giống đỏ" ở Vĩnh Phúc, cảm giác đầu tiên của tôi vẫn là sự kém tưng bừng. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên) có quy mô 3 thôn, 6 tổ sản xuất. Sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, Nhân Lý thu hút 100% hộ với trên 2.500 nông dân tham gia. Từ nỗ lực phát huy vai trò quản lý, điều hành, không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập của xã viên, Nhân Lý được tôn vinh HTX tiêu biểu năm 2016. Đương nhiên, vấn đề quan trọng hơn là tổ chức sản xuất, đưa các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao vào thực tế.

Ghi nhận ở HTX Nhân Lý là sự hài hòa trong việc cung cấp dịch vụ đầu vào theo phương thức trả chậm cho thành viên, phát huy được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra và lợi nhuận ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, Nhân Lý vẫn thường lâm vào cảnh "khát" vốn. Trước nhu cầu dịch vụ của thành viên ngày càng tăng, chưa kể việc bao tiêu sản phẩm cho thành viên hay yêu cầu đổi mới máy móc, công nghệ… thì tổng vốn điều lệ 1,6 tỉ đồng là điều khó, trong khi HTX không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận các nguồn vốn vay.

Nhưng đây hoàn toàn không phải trăn trở của riêng Nhân Lý.

Cần đồng bộ

Phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới có thể coi là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. Không ai khác, chính nông dân thắp lên những mùa màng tốt tươi trên mảnh đất của mình. Một khi mô hình hợp tác với doanh nghiệp được đẩy mạnh, xa hơn là liên kết "bốn nhà", HTX kiểu mới sẽ được tiếp tục xây dựng và phát triển theo đúng bản chất là một tổ chức tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, phân chia lợi nhuận theo vốn góp và mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ một cách thực sự dân chủ, minh bạch. Từ đó, nông dân có cơ hội đổi mới chính mình.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thể hiện sự tâm huyết về vấn đề này: "Đột phá phát triển HTX, điều quan trọng là tạo ra nhận thức đúng đắn về HTX nông nghiệp kiểu mới cả về tính chất, mục tiêu tổ chức, quan hệ giữa HTX và thành viên. Trong đó, chính quyền phải quyết tâm, doanh nghiệp nhập cuộc và nông dân được tham gia. Nó phải được thực thi đồng bộ, hài hòa về lợi ích, trách nhiệm mới có thể đi đến thành công".

Sự đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới chính là một đáp án tích cực cho bài toán đất đai. Tạo dựng niềm tin vững chắc về mối quan hệ cung cầu. Câu trả lời thuyết phục nhất là giá trị gia tăng nông sản. Sản xuất hàng hóa không bị tụt hậu luôn là khát vọng tươi mới, ấm áp về những mùa màng bội thu đúng nghĩa. 

Vốn bình quân chỉ 389 triệu đồng

Ông Nguyễn Văn Kiệm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết số vốn bình quân một HTX trên địa bàn chỉ có 389 triệu đồng. Như vậy, trong hơn 600 HTX, 237 HTX nông nghiệp hầu như vẫn chỉ hoạt động chủ yếu là đảm nhiệm từ các khâu dịch vụ như cung ứng vật tư, bảo vệ thực vật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và cuối cùng là để bảo đảm cho hộ xã viên sản xuất đúng thời vụ. Những mô hình kiểu mẫu đang được tiếp tục triển khai mạnh mẽ sẽ từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, cá thể, đang là lực cản của việc áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ, để từ đó mang lại cho nông nghiệp hiệu quả cao hơn.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Khát vọng mùa màng - Ảnh 3. Khát vọng mùa màng - Ảnh 3. Khát vọng mùa màng - Ảnh 3. Khát vọng mùa màng - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo