"Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông". Lần theo câu ca dao ngọt ngào, tôi về vùng đất huyền thoại Nga Sơn của tỉnh Thanh Hóa.
Quý như con đẻ
Từ xa xưa, cái tên Nga Sơn đã đi vào nhiều trang văn, câu hát. Nga Sơn có truyền thuyết Mai An Tiêm với quả dưa hấu đỏ, có Từ Thức gặp tiên, cửa Thần Phù lung linh sắc màu huyền thoại "Lênh đênh qua cửa Thần Phù/Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm". Nga Sơn còn là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX…
Miên man theo dòng suy niệm, tôi tới Nga Sơn lúc nào không hay. Trận lũ lịch sử vừa qua gây không ít thiệt hại nhưng cả vùng ven biển của Nga Sơn vẫn bạt ngàn đồng cói. Màu xanh trải dài, đẹp đến nao lòng. Mỗi cơn gió qua, từng đợt sóng cói nối nhau tít tắp. Ngắm nhìn đồng cói, mệt mỏi tan biến nhường chỗ cho cảm giác bình yên, thư thái.
Theo ông Đặng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cây cói gắn liền với sự hình thành mảnh đất này, là một phần máu thịt không thể thiếu đối với người dân nơi đây.
Bà Trần Thị Việt giới thiệu những sản phẩm do doanh nghiệp của mình sản xuất từ cói, đang được xuất khẩu đến nhiều nước
Mà lạ thật, có đến 8 xã ven biển của Nga Sơn không thể trồng được các loại cây khác ngoài cói. Được nuôi dưỡng bằng đất phù sa màu mỡ, cói xanh tươi đầy sức sống, có chỗ cao tới 2 m. Dân Nga Sơn quý cói như con đẻ. Cả cây cói căng tràn sức sống, từ gốc, thân tới ngọn đều có giá trị. Sau khi thu hoạch, gốc cói khỏe được chăm sóc để mùa vụ tiếp theo lại cho cây to, đẹp và dai. Nếu chăm sóc tốt, cây cói có thể cho thu hoạch 3-5 năm, thậm chí 6-7 năm. Thân cói thu hoạch về được chẻ làm 3 loại: ngắn, trung và dài. Loại ngắn và trung được xe lõi, loại dài thì làm chiếu chất lượng cao để xuất khẩu.
Cói còn được dùng để làm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ gần gũi như: giỏ ấm tích, thảm ngồi… Cây cói chết (gọi là bổi) được dùng để đun nấu và lợp nhà hay làm "ổ cói". Mùa đông, để chống lại giá lạnh của vùng Bắc Trung Bộ, dân Nga Sơn dùng "ổ cói". Trong tiết trời rét cắt da cắt thịt và sau một ngày lao động mệt mỏi, được ngả mình trên chiếc chiếu thơm nồng hương cói mà ở dưới lót thêm đệm cói thì tuyệt diệu biết bao!
Lúc thịnh lúc suy
Số phận cói Nga Sơn có lúc thịnh lúc suy, lúc buồn lúc vui. Thời phong kiến, chiếu cói Nga Sơn là sản vật cung tiến vua chúa. Cứ vào chính vụ, người đến Nga Sơn mua chiếu cói tấp nập. Tiếng cười nói rộn rã khắp làng quê. Bao cặp trai thanh, gái lịch nên duyên chồng vợ từ những đồng cói thơ mộng.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hành trang của người lính xứ Thanh mang theo bao giờ cũng có chiếc chiếu Nga Sơn nghĩa tình. Chiếu Nga Sơn theo bước chân chiến sĩ ra chiến trường. Trước những năm 1990, sản phẩm từ cói Nga Sơn như chiếu cói, mành cói… có mặt khắp cả nước, rồi xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu.
Một cánh đồng cói ở Nga Sơn
Bà Trần Thị Việt, Giám đốc DNTN Sản xuất - Kinh doanh xuất khẩu Việt Trang (thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn), cho biết trước khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, giá cói nguyên liệu tại Nga Sơn là 600 đồng/kg nhưng sau đó (từ năm 1990) chỉ còn 6 xu. Một đôi chiếu cói khoảng 3,4 m2 giá chỉ còn 800 đồng, trong khi giá gạo là 2.500 đồng/kg. Có lúc cói thu hoạch xong, chất thành kho để mốc meo. Nông dân và cả các hộ kinh doanh cá thể rất chật vật mới bán được cói. Nhiều người phát khóc vì cây cói ế ẩm.
Thế nhưng, nhiều người - như bà Việt - vẫn gắn bó với cói Nga Sơn và họ loay hoay tìm hướng đi. Cùng với việc duy trì, phát triển thị trường nội địa, những hộ kinh doanh cá thể đã mở hướng xuất khẩu cói nguyên liệu, lõi cói, chiếu cói sang các thị trường trong khu vực. Giữa lúc khó khăn nhất (năm 1991), sau nhiều ngày lặn lội tới mọi vùng miền trong nước tìm hướng đi, bà Việt ký được hợp đồng làm chiếu cho Công ty XNK Thủ công mỹ nghệ Thái Bình để xuất sang Hàn Quốc, với giá khoán cho dân là 4.500 đồng/chiếc, cao hơn nhiều so với thị trường nên nông dân phấn khởi làm chiếu cói cho bà.
Những năm 2007-2008, khi khủng khoảng tài chính toàn cầu, cói Nga Sơn lại rơi vào khó khăn. Bà Việt kể có hợp đồng ký với đối tác Hàn Quốc hàng tỉ đồng và đã nhận đặt cọc, hàng đã chuyển đi nhưng bán không được nên họ đơn phương chấm dứt hợp đồng. Những người kinh doanh sản phẩm từ cói như bà đều điêu đứng. Lượng hàng bán ra, thu tiền trả cho nhân công xong không đủ trả lãi cho ngân hàng.
Nhưng với quyết tâm vực dậy nghề cói, bà Việt vẫn bám trụ. Cơ duyên đến khi cô con gái của bà học từ nước ngoài về làm việc cho gia đình. Với khả năng ngoại ngữ và kiến thức, cô đã giúp bà tìm kiếm thị trường tiêu thụ và ký các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nước ngoài. Nhờ đó, doanh nghiệp của bà Việt hiện có bạn hàng ở nhiều nơi: Mỹ, Nhật, Bỉ, Tây Ban Nha, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Đài Loan, Singapore và Israel. Những bạn hàng này giúp bà tiêu thụ sản phẩm từ cói và một số nguyên liệu như bèo tây, rơm, bẹ ngô - được làm từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của dân Nga Sơn.
Cùng với doanh nghiệp của bà Việt, tại Nga Sơn còn có hơn 10 doanh nghiệp khác đang tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cói, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương và duy trì, phát triển cây cói Nga Sơn.
Bảo vệ cho muôn đời sau
Ông Mai Sỹ Quyết - chủ cơ sở thu mua nguyên liệu cói ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn - nhận xét: "Cói là loại cây tuyệt diệu, không cần nhân giống, nếu cần thì nhà này có thể xin của nhà kia về trồng. Dó đó, tôi luôn tâm niệm một điều là phải bảo vệ cây cói cho muôn đời sau, dù sóng gió thế nào".
Từ năm 1990 đến nay, ông Quyết thu mua của nông dân hàng trăm tấn cói nguyên liệu và "bổi" mỗi năm, tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Cây cói đang giải quyết nhiều việc làm cho lao động nhà nông ở Nga Sơn
Theo ông Trần Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Nga Liên, huyện Nga Sơn - những năm trước, xã có 170 ha trồng cói. Do một thời cây cói cho hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều người bỏ quê đến các thành phố lớn tìm việc. Vì thế, Nga Liên phải chuyển đổi sang trồng cây khác và nuôi tôm nên diện tích cói chỉ còn 140 ha.
Tuy nhiên, thổ nhưỡng của Nga Liên chỉ hợp cây cói và đây là nghề tuy vất vả nhưng người cao tuổi hay thiếu niên đều có thể trồng, thu hoạch và dệt chiếu. Vì thế, toàn xã vẫn có khoảng 500 hộ gia đình trồng cói và gần 400 hộ dệt chiếu, xe lõi cói.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Ông Đặng Văn Huy cho biết Nga Sơn đang ổn định diện tích cây cói là 810 ha. "Cói mống" cho thu hoạch 1 vụ/năm, "cói cựu" 2 vụ/năm, năng suất trung bình ước đạt 75 tạ/ha. Trung bình 1 năm, tổng sản lượng cói khô của Nga Sơn ước đạt 12.000-13.000 tấn. Nếu cói đẹp, giá bán được 10.000-12.000 đồng/kg, cao gần gấp 2 lần giá lúa. Bên cạnh nỗ lực của các công ty, đơn vị gắn bó với cây cói, huyện Nga Sơn còn có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư máy móc se lõi cói và sản xuất các sản phẩm từ cói.
Theo ông Trần Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, với doanh nghiệp mua máy dệt chiếu mới và đưa vào sản xuất ổn định, huyện hỗ trợ 20% nhưng không quá 20 triệu đồng/máy. Huyện cũng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mua máy se lõi và đưa vào sản xuất ổn định 6 tháng trở lên là 20% nhưng không quá 600.000 đồng/máy...
Nga Sơn cũng đã hình thành cụm làng nghề liên xã - thị trấn về hàng cói với 5 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả.
"Về Nga Sơn mua một đôi chiếu, tặng cho ai khi mùa Xuân tới..." - lời bài hát của ai đó cứ mãi theo tôi khi rời Nga Sơn.
Kỷ niệm đầy ắp trong tim
Bà Đào Thị Xuân - ngụ thôn 3, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn - bồi hồi: "Ngày nên duyên, vợ chồng tôi được cha mẹ tặng đôi chiếu mới làm quà. Cảm xúc khi được nằm trên chiếc chiếu dệt từ tình cảm yêu thương có vị mặn chát của nước mắt, mồ hôi của đấng sinh thành, tôi hạnh phúc lắm. Cũng trên chiếc chiếu quê hương, anh em, họ hàng, bà con lối xóm quây quần hàn huyên. Các bà, các mẹ ngồi trên chiếu mà têm trầu chúc phúc cho đôi trẻ. Thời gian trôi qua, kỷ niệm vẫn đầy ắp trong tim tôi".
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)