Khái niệm 3F dường như khá xa lạ với không ít nông dân. Thế nhưng, tại Quảng Bình, mô hình nông nghiệp này đã dần xuất hiện với những đặc tính ưu việt, từ khâu thức ăn đến việc chế biến, tạo sức cạnh tranh cao cho sản phẩm trên thị trường.
Tứ nấm thương phẩm đến gà đồi sinh học
HTX Nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch) được xem là cơ sở đi đầu trong việc nuôi trồng nấm thương phẩm khép kín theo mô hình 3F ở Quảng Bình. Thay vì trồng nấm truyền thống, thu hoạch rồi bán ra thị trường, HTX này đã chế biến thành phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Giám đốc HTX Tuấn Linh, cho biết với mong muốn tạo ra sản phẩm an toàn, tiện lợi cho người sử dụng, từ khi thành lập - năm 2016, HTX đã bắt đầu trồng thử nghiệm các loại nấm rơm, sò, linh chi, mộc nhĩ... Ngoài nấm ăn, nấm dược liệu trồng kiểu truyền thống, HTX còn đầu tư máy móc, nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tập trung chế biến, đóng gói thành phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm từ nấm mới lạ, thu hút người tiêu dùng.
Ban đầu, khi chế biến thành phẩm, các loại nấm của HTX Tuấn Linh chưa được nhiều người biết đến nên việc tiêu thụ còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Dần dà, những sản phẩm này được nâng cao chất lượng và chú trọng quảng bá nên đã tạo sức hút trên thị trường. Nhiều sản phẩm 3F của Tuấn Linh - như: trà nấm, rượu nấm, nước mắm chay từ nấm, nấm mộc nhĩ, nấm thập cẩm… - đã có lượng tiêu thụ lớn. HTX còn liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với nhiều công ty và hệ thống Co.opmart tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị.
Theo ông Hương, những sản phẩm này được sản xuất, đóng gói theo quy trình khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. "Chúng tôi kiểm định thường xuyên, từ giống nấm, phôi nấm đến nguồn nước... đều phải bảo đảm chất lượng" - ông khẳng định. HTX Tuấn Linh đạt doanh thu hằng năm khoảng 7 tỉ đồng; tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động địa phương từ việc trồng và chế biến nấm thương phẩm.
HTX Tuấn Linh với mô hình trồng nấm khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn”
Trang trại gà đồi sinh học của Công ty TNHH Phát triển Nhị Nguyễn
Mô hình chăn nuôi gà đồi sinh học của Công ty TNHH Phát triển Nhị Nguyễn (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch) cũng được xem là tiêu biểu theo hướng chuỗi khép kín "Từ trang trại đến bàn ăn" ở Quảng Bình. Khác với cách chăn nuôi truyền thống, công ty đã nghiên cứu, sản xuất thức ăn hữu cơ sinh học cho trang trại của mình. Nhờ chủ động nguồn thức ăn, việc chăn nuôi gà đồi hữu cơ trở nên thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Nhị, Giám đốc Công ty Nhị Nguyễn, cho biết từ năm 2018, ông đã nuôi thử nghiệm gần 1.000 con gà thả trên đồi theo phương pháp sinh học, với quy trình khép kín, an toàn. Công ty đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ vi sinh hiện đại để làm thức ăn hữu cơ sinh học NN01 cho gà, có thực đơn riêng cho từng độ tuổi.
Ông Nhị giải thích: "Thức ăn sinh học giúp việc chăn nuôi gà thay đổi từ phương thức sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại sang hướng hữu cơ tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người". Theo ông, NN01 đang được sử dụng tại hơn 30 trang trại của công ty liên kết với các địa phương trong vùng.
Hiện nay, Công ty Nhị Nguyễn nuôi gần 50.000 con gà đồi sinh học. Trong đó, trang trại chính nuôi hơn 4.000 con, khép kín từ việc chăm sóc đến đóng gói sản phẩm, cung ứng ra thị trường. Các trang trại liên kết được đầu tư 50% chi phí sản xuất, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và được cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp 4 tấn gà ra thị trường, doanh thu mỗi năm hơn 6 tỉ đồng.
"Sức hút khó cưỡng"
Ông Nguyễn Quốc Hương cho rằng "Từ trang trại đến bàn ăn" là mô hình sản xuất nông nghiệp mới, đầy tiềm năng phát triển.
"Tuy nhiên, với nông dân, không phải ai cũng dám đầu tư vì bỏ ra số vốn quá lớn mua máy móc, công nghệ, thuê nhân lực nhưng khi làm ra sản phẩm thì chưa chắc tiêu thụ được. Song, khi đã vận hành trơn tru thì mô hình này sẽ thực sự có sức hút khó cưỡng vì mang lại nhiều thành quả" - ông Hương nhận xét.
Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch, mô hình "Từ trang trại đến bàn ăn" trên địa bàn chưa nhiều, quy mô chưa lớn. Thế nhưng, những cơ sở đang thực hiện mô hình này đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, có tầm nhìn xa trông rộng.
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình nhìn nhận khoảng 3 năm nay, một số mô hình nông nghiệp 3F ở địa phương đã đạt được những thành công nhất định, hứa hẹn nhiều triển vọng. Ngoài nấm thương phẩm và gà đồi sinh học, Quảng Bình còn một số mô hình khác như: Cam Kim Lũ ở huyện Tuyên Hóa, rau sạch Đông Dương ở Quảng Trạch...
Xu hướng tất yếu
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, đánh giá với những lợi ích và giá trị kinh tế mang lại, mô hình 3F sẽ là lựa chọn hàng đầu của nhiều nông dân địa phương. "Từ trang trại đến bàn ăn" cũng sẽ trở thành xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Bình luận (0)