Sông Đa Độ tại Hải Phòng dài gần 50 km, chảy qua 5 quận - huyện, là nguồn cung cấp nước ngọt cho các nhà máy nước sạch của thành phố. Tuy nhiên, nhiều năm qua, con sông này bị "đầu độc" bởi các hoạt động gây ô nhiễm môi trường diễn ra hằng ngày.
Đau đầu với làng nghề thu gom, tái chế phế liệu
Tại Hải Phòng, Nhà máy Nước Cầu Nguyệt, Sông He (công suất 80.000 m3/ngày đêm), Nhà máy Nước thô cho KCN Đình Vũ (20.000 m3/ngày đêm), Nhà máy Nước Hưng Đạo (130.000 m3/ngày đêm) và 35 nhà máy nước sạch nông thôn khác đều lấy nước từ sông Đa Độ.
Ở khu vực phường Tràng Minh, quận Kiến An, TP Hải Phòng, làng nghề thu gom, tái chế phế liệu nằm dọc bờ sông Đa Độ. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nước thải từ việc tái chế phế liệu đã xả trực tiếp ra con sông vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 1/4 dân số Hải Phòng. Không ít cơ sở ven bờ sông còn đốt rác thải công nghiệp thu gom từ một số nhà máy sản xuất giày da.
Ông N.V.T, ngụ phường Tràng Minh, cho biết từ năm 2021, tình trạng đốt rác thải da giày diễn ra suốt ngày đêm ven sông Đa Độ. Khói đen bốc cao và có mùi rất khó chịu, gây khó thở.
Nhiều cơ sở tái chế phế liệu ở phường Tràng Minh, quận Kiến An, TP Hải Phòng xả chất thải thẳng ra sông Đa Độ
Trước thực trạng trên, người dân địa phương đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền nhưng vô vọng. Vì bức xúc, người dân đã dựng rào chắn, ngăn xe chở rác thải da giày vào khu vực ven sông để đốt gần 3 tháng liền. Đến khi các cơ sở cam kết không thu mua rác thải da giày nữa, người dân mới tháo bỏ rào chắn nhưng rồi tình trạng này vẫn tái diễn.
Theo lãnh đạo UBND phường Tràng Minh, từ những năm 1980, làng nghề thu gom, tái chế phế liệu dọc sông Đa Độ tự phát hình thành từ vài hộ dân. Đến nay, làng nghề này có gần 100 hộ, chiếm hơn 80% số hộ dân trong khu vực. Toàn bộ nước thải của quá trình thu gom, tái chế phế liệu không qua hệ thống xử lý mà xả thẳng ra sông.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, UBND TP Hải Phòng đã đầu tư hơn 120 tỉ đồng xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ làng nghề Tràng Minh và các khu dân cư lân cận. Vừa qua, hệ thống này đã đi vào hoạt động nhưng các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu vẫn không chịu xả nước thải vào hệ thống mà đưa trực tiếp ra sông Đa Độ.
Lo ngại "đánh bùn sang ao"
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, hiện nay, có đến gần 400 điểm xả nước thải trực tiếp vào dòng sông này và các kênh, mương dẫn ra sông. Trong đó, hơn 200 điểm thuộc doanh nghiệp, hơn 160 điểm thuộc các trang trại và gần 30 điểm từ khu dân cư.
Thực tế, số điểm xả thải được cơ quan chức năng TP Hải Phòng cấp phép chỉ khoảng 60. Hơn 300 điểm còn lại đang xả thải trái phép ra hệ thống sông Đa Độ, trong đó nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao từ các nhà máy, xí nghiệp, trang trại chăn nuôi, khu dân cư.
Nhiều hộ dân sống ven sông Rế tại thị trấn An Dương, huyện An Dương, TP Hải Phòng xả thải trực tiếp ra sông
Lãnh đạo UBND quận Kiến An cho rằng để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm xả thải ra môi trường là rất khó. Bởi lẽ, việc quản lý còn chồng chéo, năng lực xử lý còn hạn chế nên khó có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này.
Theo lãnh đạo UBND quận Kiến An, về mặt địa giới hành chính, sông chảy qua địa bàn phường - xã nào thì thuộc quyền quản lý của địa phương đó, song về quản lý mặt nước lại thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ. Công ty này có chức năng điều tiết nước ra vào, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết thời gian qua, đơn vị này cùng lực lượng chức năng đã vận động các hộ dân giải tỏa 110/150 ha ao đầm, vườn ruộng để mở rộng lòng sông từ 50 - 60 m lên 90 - 130 m. Lực lượng chức năng cũng đã tháo dỡ hơn 2.000 m² nhà cửa, vật kiến trúc; chặt bỏ khoảng 300.000 cây trên bờ và dưới sông.
Hải Phòng cũng đã có chủ trương xây dựng hệ thống cống một chiều. Hệ thống này sẽ ngăn nguồn nước tại các kênh, mương có nguy cơ gây ô nhiễm, không cho chảy ra sông Đa Độ. Đến nay, 50/110 cống đã xây dựng xong.
Hải Phòng còn giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ tổ chức xây dựng hệ thống đập dài khoảng 110 km để chuyển hướng dòng chảy từ các kênh, mương có nguy cơ gây ô nhiễm sang 2 sông Văn Úc và Lạch Tray. Đến nay, công ty này đã đắp được hơn 60 km đập.
Tuy nhiên, việc xây đập chuyển hướng dòng chảy vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Người dân lo ngại nếu các nguồn ô nhiễm bị đẩy sang sông Văn Úc và Lạch Tray thì không khác nào "đánh bùn sang ao".
Cần giải pháp căn cơ
Sông Rế (dài 65 km, bắt nguồn từ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đổ vào huyện An Dương, TP Hải Phòng), một trong 3 con sông chính cung cấp nguồn nước ngọt cho khu vực nội thành Hải Phòng, cũng đang phải hứng chịu nhiều nguồn ô nhiễm. Hiện nay, 3 nhà máy nhận nước thô từ sông Rế để xử lý, cung cấp nước sạch cho các khu dân cư với công suất lên đến gần 180.000 m3/ngày.
Theo lực lượng chức năng TP Hải Phòng, sông Rế cũng tiếp nhận nước thải từ hàng loạt tuyến kênh tiêu thoát nước xả ra từ các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư. Tuyến sông này có hơn 300 điểm tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý.
Nguồn cung cấp nước ngọt chính thứ 3 cho TP Hải Phòng là sông Giá ở huyện Thủy Nguyên. Sông này cũng chịu chung số phận khi tiếp nhận rất nhiều nguồn xả thải từ các cơ sở sản xuất.
Ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, cho rằng để "giải cứu" các con sông khỏi những nguồn ô nhiễm một cách căn cơ, Hải Phòng cần đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu dân cư, làng nghề. Đối với các trang trại, nhà máy, xí nghiệp nằm dọc bờ sông, cần kiên quyết đóng cửa nếu không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường như hiện nay.
Bình luận (0)