Mấy năm gần đây chứng kiến hàng loạt quan chức nhà nước bị truy tố và tuyên phạt án tù, phần nhiều can tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Khám xét nhà của ông Lê Đức Vinh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Hành vi gây thất thoát công sản chủ yếu xoay quanh việc hóa giá công sản trái quy định, giao đất không qua đấu giá, định giá đất quá thấp so với thực tế... Gián tiếp liên quan đến các quan chức ngã ngựa hầu hết là những doanh nghiệp tư nhân, trong đó nhiều nhà đầu tư được giao đất xong thì không triển khai dự án theo mục đích và giấy phép ban đầu mà phù phép thành dự án thương mại, bán sản phẩm với giá rất cao, thu lời bộn. Thậm chí có không ít trường hợp sau khi nộp xong thuế quyền sử dụng đất là bán sang tay hẳn dự án, chỉ cần hưởng khoản chênh lệch giá đất là đã lãi đậm.
Qua các vụ án đã xảy ra thì thấy từ cán bộ tham mưu đến lãnh đạo có quyền đặt bút ký duyệt đều mắc sai phạm, trong khi họ đều là người thạo chuyên môn, nắm rõ chủ trương chính sách. Vì sao như vậy?
Lý do năng lực kém thì không phải. Chẳng thể không hoài nghi về chuyện "bánh ít đi, bánh quy lại" giữa bên ký duyệt và bên được giao đất giá hời. Nhiều vụ án vừa qua cũng thể hiện một số cá nhân can tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" bị buộc thêm tội tham ô, tham nhũng.
Từ đó, dư luận xã hội nhìn chung cho rằng vì lòng tham mà ra cả, chính sự tham lam khôn cùng đã dẫn tới xem nhẹ pháp luật, "đạp" lên mọi quy định pháp lý để trục lợi. Cùng với đó là những bất cập trong pháp luật về đất đai đã sinh ra nhiều kẽ hở để quan chức và doanh nghiệp lách luật, tất cả vì mục đích lợi nhuận.
Những cú ngã ngựa ấy gắn với quá trình đô thị hóa, với những cơn sốt đất triền miên. Hiếm thấy doanh nghiệp đầu tư vào những vùng hoang sơ, thưa vắng; toàn chỉ thấy nhắm tới đất "vàng" ở trung tâm thành phố, ven biển, hướng sông. Khi đất hóa vàng gặp lòng tham con người vô độ nữa thì gây biết bao hệ lụy.
Trong đời sống người dân, tranh chấp đất đai cũng xảy ra nhiều hơn trước đây. Trong tổng số vụ khiếu nại, tố cáo mỗi năm trên cả nước, liên quan đất đai chiếm 70%. Đô thị hóa càng mạnh, giá đất càng cao thì tình trạng xung đột lợi ích, rạn nứt các mối quan hệ anh em ruột thịt, họ hàng thân tộc, láng giềng... ngày càng nhiều.
Tháng 9-2019, vì cằn cựa nhau chỉ nửa mét đất mà một người đàn ông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội vung dao thảm sát cả gia đình người em ruột. Mới đây, hai chị em tuổi đều đã trên 65 ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An phải kéo ra tòa vì không chịu nhường nhau chỉ 1,5 m2 đất trong thửa đất 1.000 m2 do cha mẹ để lại. Ông em thắng kiện, bà chị không chịu thua, đòi kháng cáo. Quả là, đất hóa vàng, tình người hóa bạc - bạc bẽo!
"... Sống gần mặt đất bao nhiêu
Mới hay đất cũng lắm điều đắng cay".
("Nói về đất" - Thu Bồn, 1979).
Bình luận (0)