Nhiều người nghĩ nghề báo rất nguy hiểm, nhất là làm báo điều tra, mà đặc biệt là đối với nhà báo nữ. Thế nên, ngay từ khi bắt đầu công việc, tôi đã không nhận được sự ủng hộ của gia đình...
Chưa thôi ám ảnh
Tôi làm báo chưa lâu nhưng từ những ngày đầu bước chân vào nghề, đã mong muốn được một lần dấn thân điều tra, dẫu biết tác nghiệp điều tra luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Để thực hiện loạt phóng sự điều tra "Thâm nhập thế giới làm đẹp", tác phẩm đoạt Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38 năm 2020, tôi được giao nhiệm vụ đóng vai học viên để thâm nhập các "lò" đào tạo "bác sĩ thẩm mỹ cấp tốc".
Trước đó, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thông tin từ bạn đọc phản ánh về tình trạng bát nháo trong lĩnh vực làm đẹp, các cơ sở thẩm mỹ chui công khai tuyển chọn học viên. Đã có rất nhiều người là nạn nhân của cơ sở làm đẹp "chui", trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình. Điều đó thôi thúc tôi phải dấn thân.
Suốt gần 2 tháng nhập vai học viên vào các cơ sở học nghề làm đẹp chui, đến giờ, tôi vẫn chưa thôi ám ảnh về những cuộc phẫu thuật kinh hoàng trong các "lò" đào tạo này.
Vì là làm chui nên chủ nhân của các cơ sở này luôn cảnh giác cao với những người tìm đến học nghề. Thế nên, phải mất gần 2 tuần tiếp cận, tôi mới được các "bác sĩ phẫu thuật" đồng ý cho "tầm sư học đạo".
Phóng viên Ý Linh trong giờ làm việcẢnh: TẤN THẠNH
Để quay hình được những buổi "thị phạm" phẫu thuật trên cơ thể khách hàng của các "bác sĩ" thực sự rất khó khăn. Các thiết bị ghi âm, ghi hình phải được giấu kỹ, vì nếu bị phát hiện, hậu quả sẽ thật khó lường, nhất là khi chỉ có một mình tôi ở cùng những người xa lạ trong những căn phòng kín cửa. Nhưng tôi buộc phải mạo hiểm để thu thập đủ bằng chứng về các đối tượng điều tra, tránh những kẽ hở cho họ có cơ hội phản biện, kiện cáo.
Điều đáng sợ hơn ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp là các "phòng mổ" luôn nồng nặc mùi cồn và máu tanh xộc vào mũi nhưng "học viên" lại không được mang khẩu trang. Những ngày đầu thâm nhập, tôi đã phải nôn thốc nôn tháo liên tục và nhiều ngày sau đó không thể nuốt nổi cơm vì... ám ảnh. Họ đã dạy "học viên" rằng để làm được từ tiểu phẫu đến đại phẫu thì không cần gì hơn việc... quen mùi máu. Và rằng việc cầm dao cắt lên da thịt của người khác chỉ giống như... mổ gà.
Tôi đã rất sợ hãi khi tận mắt chứng kiến người thị phạm để xảy ra ca tai biến cho một cô gái trẻ ngay trên giường phẫu thuật. Nhìn người phụ nữ tự xưng là "chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ" (nhân vật trong loạt bài) hốt hoảng vì không cầm được máu dù vết cắt trên mí mắt của cô gái trẻ đã được may lại, tôi không khỏi rùng mình. Lúc đó, tôi đã nghĩ đến chuyện phải gọi cấp cứu khi cô gái thều thào xin thuốc uống vì chóng mặt. May mắn là sau hơn 1 giờ, máu đã ngưng chảy và cô gái tỉnh táo trở lại. Cái giá cô ấy phải trả là vết thương sâu, kéo dài trên mí mắt.
Mong muốn thức tỉnh
Sự phát triển của xã hội kéo theo xu hướng làm đẹp của phụ nữ ngày càng tăng. Vì ham làm đẹp giá rẻ, nhiều người như con thiêu thân lao vào các cơ sở làm đẹp chui, bất chấp nguy hại đến sức khỏe, an toàn tính mạng. Cũng vì tiền, các cơ sở thẩm mỹ chui mọc lên ngày càng nhiều, bất chấp pháp luật lẫn đạo đức xã hội để "truyền tay" nhau những kinh nghiệm phẫu thuật đầy hiểm họa chết người. Đó là lý do mà chúng tôi phải thâm nhập thế giới làm đẹp chui để bóc mẽ các chiêu trò trục lợi, lên tiếng cảnh báo, thức tỉnh, góp phần giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc cho gia đình, xã hội.
Với các nữ phóng viên, nghề báo tuy cực nhọc song vẫn đam mêẢnh: HUẾ XUÂN
Nhưng làm báo điều tra không chỉ nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp mà sau khi loạt bài đã đăng tải vẫn còn rất nhiều rủi ro xảy đến. Khi loạt bài khởi đăng, tôi đã nhận được những cuộc gọi đe dọa từ một cơ sở làm đẹp. Ở các cơ sở bị phản ánh đều có lắp camera an ninh nên khả năng tôi bị nhận diện và trả thù là có cơ sở. Mặt khác, sau khi các cơ sở làm đẹp chui bị kiểm tra, xử lý, cơ quan chức năng còn phát hiện điểm làm đẹp "chui" từng gọi điện đe dọa tôi có tàng trữ súng. Nó làm tôi rùng mình nhớ lại nhiều lần giáp mặt với những thanh niên xăm trổ đầy mình gác cửa cho các cơ sở này.
Nhưng để gắn bó với nghề, tôi phải tạm quên những lo sợ để tiếp tục dấn thân như cách tôi đã yêu và chọn nghề báo. Hơn nữa, tôi luôn tin rằng cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp, gia đình và cả bạn đọc sẽ luôn bên cạnh ủng hộ, động viên mình vượt qua khó khăn để tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn.
Nghề báo nói chung và làm báo điều tra nói riêng rất nhiều gian khổ nhưng đổi lại, chúng tôi nhận được nhiều niềm vui và hài lòng vì thỏa mãn đam mê được làm nghề, được phục vụ độc giả.
Bình luận (0)