Cập nhật từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tính đến cuối tháng 10-2020 mới đạt 30,15% kế hoạch. Và không chỉ giải ngân thấp, có chuyện "lạ" là gần 10 địa phương và bộ - ngành đã xin... trả lại vốn ODA, tổng mức khoảng 3.700 tỉ đồng, chiếm 32% dự toán được giao.
Nguyên nhân, theo các đơn vị xin trả lại vốn, là vì không có khả năng giải ngân, thủ tục rườm rà, không có nhu cầu hoặc do dịch Covid-19 (chuyên gia, thiết bị, nhà thầu đều từ nước ngoài, không sang Việt Nam được)...
ODA là vốn hỗ trợ phát triển chính thức, được cấp bởi chính phủ các nước hoặc các định chế tài chính, tổ chức quốc tế... ODA có nhiều loại, trong đó viện trợ không hoàn lại thường chiếm tỉ lệ nhỏ (khoảng 25%), còn lại phải trả nợ gốc và lãi suất ưu đãi hoặc các điều kiện ràng buộc khác (như: bên vay phải ưu tiên cho doanh nghiệp của bên cho vay, sử dụng nhân công và công nghệ của nước đó, hoặc giảm thuế...). Nói chung, hầu như chẳng có đồng tiền nào cho không cả. Vậy nên, tiền vay đã có mà không "xài" thì kiểu gì cũng lãng phí. Lãng phí tiền của theo thời gian đã rõ, uy tín quốc gia cũng bị sút giảm vì vay ODA mà không dùng.
Do đó, nguyên nhân khách quan (dịch bệnh) chỉ là một phần, nguyên nhân chủ quan mới là cái chính, cụ thể là từ bộ - ngành tham mưu lẫn những bộ - ngành, địa phương đề xuất Chính phủ cấp phát vốn. Thực tế như đã diễn ra cho thấy quy hoạch sử dụng vốn ODA có vấn đề; việc thay đổi, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA rườm rà, dẫn tới bế tắc cũng chính là do trình độ, tầm nhìn của con người mà ra, chứ đổ thừa cho ai nữa?!
Trong khi đó, không ít địa phương cực kỳ "khát" vốn ODA để phục vụ phát triển thì không được giải ngân kịp và đủ. Ví dụ như TP HCM, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, tổng vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương cho TP là trên 20.000 tỉ đồng (địa phương có nhiều dự án ODA nhất cả nước) nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn thấp và chậm. Có thời điểm TP phải tạm ứng ngân sách để trả tiền cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1. Cho nên, không thể để kéo dài tình trạng nơi được cấp vốn ưu đãi thì không cần, đến mức phải trả lại; nơi rất cần vốn thì chậm cấp!
Có ý kiến cho rằng vốn đầu tư công, trong đó có ODA, giờ đây được soi và siết rất kỹ nên các bộ - ngành, địa phương không còn dám "xài" cẩu thả như trước đây; và thấy không còn là "chùm khế ngọt" thì trả (!?). Trong hoàn cảnh nào thì đồng tiền nhà nước phải được quản chặt, không vì bất cứ lý do gì mà nới lỏng quy định. Bài học đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn còn đó, nóng hôi hổi: tổng đầu tư 34.500 tỉ đồng vay ODA của JICA và WB cùng vốn đối ứng trong nước, vận hành không lâu đã xuống cấp toàn diện; thanh tra - điều tra thì lòi ra cả 7 gói thầu đều không đạt chất lượng và sai quy định, hàng chục cá nhân đã bị khởi tố hình sự...
Bình luận (0)