Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Cần Thơ, tổng số lao động Trung Quốc trên địa bàn là 64 người (51 người được cấp phép và 13 người đến công tác). Trong dịp Tết nguyên đán 2020, có 42 người Trung Quốc về quê ăn Tết, còn 18 người ở lại Việt Nam.
Cách ly tại chỗ
Đáng chú ý, Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ cho biết có 4 người Trung Quốc ở lại Việt Nam nhưng sở này không liên lạc được.
Lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang chỉ đạo chống dịch tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ảnh: TÂM QUÂN
Tại nhà máy xử lý rác ở huyện Thới Lai có nhiều lao động Trung Quốc làm việc (25 người), trong ngày 4-2, Trung tâm Y tế huyện Thới Lai tiến hành tư vấn y tế và khám sàng lọc cho 19 công dân Trung Quốc tại nhà máy. Kết quả không phát hiện trường hợp bệnh nghi ngờ do chủng mới của virus corona (nCoV). Sở Y tế đã giao Trung tâm Y tế huyện Thới Lai quan tâm giám sát.
Riêng tại Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã thực hiện giám sát chặt chẽ đối với các chuyến bay quốc tế, hành khách đều được giám sát thân nhiệt để phát hiện tình trạng sức khỏe và lập hồ sơ y tế đối với tất cả khách người Trung Quốc. Tính từ ngày 23-1 đến 5-2, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã ghi nhận 9 người Trung Quốc nhập cảnh.
Ông Phạm Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh này có 47 lao động là người Trung Quốc làm việc trong và ngoài khu công nghiệp. Trong số này có 12 người đã về nước ăn Tết nhưng chưa trở lại làm việc. Riêng Khu Công nghiệp Bình Hòa (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) hiện có 24 người Trung Quốc quay lại làm việc và đã được cách ly tại chỗ.
"Hiện nay, tôi đang đi giám sát ở một số doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngoài khu công nghiệp để nắm thêm về tình hình sử dụng lao động là người Trung Quốc. Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện ngay biện pháp cách ly tại chỗ đối với số lao động này và thực hiện các quy định của ngành y tế như không được tiếp xúc với nhiều người, luôn đeo khẩu trang, sát trùng, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm nCoV thì mới cách ly tập trung tại cơ sở y tế để an toàn cho cộng đồng" - ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Phạm Sơn, trong số những người đã sang Việt Nam thì có 3 người vẫn còn ở TP HCM nên cũng khuyến cáo họ ở lại tại chỗ chứ không về An Giang làm việc.
"Khó khăn nhất hiện nay của An Giang là chưa giám sát được những trường hợp người Trung Quốc sang Việt Nam thăm vợ, con hoặc người Việt Nam đi lao động "chui" ở Trung Quốc quay về địa phương. Trường hợp này thì chúng tôi đã có văn bản yêu cầu đơn vị trực thuộc cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát để có biện pháp quản lý kịp thời. Thật ra, những người này cũng đã được thực hiện các biện pháp an toàn về kiểm dịch tại các cửa khẩu quốc tế nhưng trong quá trình di chuyển đến nơi làm việc thì chưa biết họ có bị nhiễm dịch bệnh hay không nên vẫn phải giám sát. Việc giám sát này cũng nhằm giúp cho người lao động khác ở các doanh nghiệp yên tâm làm việc và bảo đảm an toàn cho cộng đồng" - ông Sơn nói thêm.
Phân loại để theo dõi chặt chẽ
Theo ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kiên Giang, hiện trên địa bàn tỉnh này có 243 người mang quốc tịch Trung Quốc đang làm việc ở huyện đảo Phú Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 228 người về nước ăn Tết nhưng chưa quay trở lại. Hiện có 12 người vẫn đang ở Phú Quốc làm việc và 3 người quay lại Việt Nam sau Tết nguyên đán (2 người đang ở Phú Quốc và 1 người đang có mặt tại TP HCM).
"Theo yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang trong chuyến khảo sát vừa qua ở huyện đảo Phú Quốc thì các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương thực hiện việc nhắc nhở các doanh nghiệp có người Trung Quốc tiến hành các quy trình phân loại để theo dõi chặt chẽ đối với những người này. Qua đó, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì báo cáo ngay cho ngành chức năng thực hiện các biện pháp cách ly, tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng" - ông Sơn thông tin.
Không đăng ký lưu trú
Ngày 6-2, tin từ UBND xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết trên địa bàn có một trường hợp người Trung Quốc là ông Chen Zi Sheng (46 tuổi) lưu trú.
Theo thông tin ban đầu, ngày 21-1, ông Chen Zi Sheng nhập cảnh Việt Nam. Người đại diện công ty kinh doanh thủy sản nơi ông Sheng lưu trú cho biết từ ngày 22-12-2019 đến 31-1-2020, không nắm rõ ông Sheng ở đâu. Tuy nhiên, từ ngày 1-2 đến nay, ông Sheng xuất hiện ở công ty. Hiện Công an xã Khánh Hưng đã lập biên bản để xử phạt hành chính đối với ông Sheng về lỗi không đăng ký lưu trú với chính quyền địa phương.
Bình luận (0)