Viện Hải Dương học đóng tại TP Nha Trang ra đời từ năm 1922, đây là cơ quan nghiên cứu khoa học về biển có bề dày lịch sử nhất Việt Nam. Từ khi mới ra đời, hoạt động khảo sát, nghiên cứu của Viện đã gắn liền với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa với con tàu De Lanessan.
Nghiên cứu Biển Đông từ đầu thế kỷ 20
Tàu De Lanessan được đóng theo kế hoạch của toàn quyền Đông Dương và giám đốc Hải dương học Đông Dương thời bấy giờ là tiến sĩ Arman Krempf. Đây là tàu hơi nước có trọng tải 750 tấn, dài 45m, mặt boong rộng 7,63m, 450 mã lực. Tàu được thiết kế đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu hải dương học và đánh bắt xa bờ.
Con tàu De Lanessan nghiên cứu Biển Đông từ năm 1925
Năm 1924, tàu De Lanessan từ Bordeaux (Pháp) về cảng Hải Phòng. Từ năm 1925 đến năm 1929, tàu thực hiện 50 chuyến khảo sát tại 572 trạm thuộc các vùng biển phía Bắc Việt Nam, miền Trung Việt Nam, miền Nam Việt Nam, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa.
Từ ngày 21-6 đến ngày 24-7-1926, tàu De Lanessan đã tổ chức nghiên cứu tại quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) với các đảo Tri Tôn, Đá Lồi, Đảo Bạch Quy, Đảo Phú Lâm, Đảo Cây, Đảo Linh Côn, rạn Bông Bay, Đảo Hữu Nhật, Đảo Lưỡi Liềm với những khảo sát về độ sâu, nhiệt độ, dòng chảy, địa chất, một số khu hệ động thực vật trên đảo và xung quanh đảo.
Những ghi nhận ở Hoàng Sa đầu thế kỷ 20
Tiếp đến, từ ngày 3 đến 19-7-2027, tàu De Lanessan nghiên cứu quần đảo Trường Sa tại các đảo: An Bang, Đá Tây, Đá Chữ Thập, Ba Bình, Loại Ta, Đá Subi, Thị Tứ (Titu Island), Cụm Song Tử với việc khảo sát nền đáy, thu mẫu động vật và địa chất, đo độ sâu (độ sâu trung bình xung quanh các đảo san hô từ 40-100m, rãnh sâu giữa đảo Ba Bình và Đá Loại Ta sâu gần 2000 mét)...
Mẫu cá đầu tiên mà cán bộ Viện Hải dương học thu được ở Hoàng Sa năm 1926 sau cuộc khảo sát với tàu De Lanessan
Ngoài những nghiên cứu về hải dương học và khai thác phốt phát trên đảo, năm 1938, Viện Hải dương học đã thành lập một trạm quan trắc hải dương học tại đảo Pattle trong quần đảo Hoàng Sa (sau này vì chiến tranh nên trạm này tạm dừng hoạt động). Sau đó, tàu này phải về Sài Gòn để sửa chữa. Thế chiến II bùng nổ, phần nào làm các hoạt động nghiên cứu của Viện Hải dương học gặp khó khăn. Tuy vậy, trong cuộc sống và hoạt động của nhiều thế hệ cán bộ của Viện vẫn luôn gắn liền với việc tìm hiểu, làm rõ nhiều vấn đề khoa học về biển đảo Việt Nam.
Các mẫu vật lấy từ Hoàng Sa - Trường Sa
Hơn 20.000 mẫu vật
Để giữ gìn và phát huy kết hợp với giữ gìn chủ quyền biển đảo, Viện Hải dương học đã trưng bày các mẫu sinh vật, địa chất được lấy từ 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Ngoài khu vực trưng bày các mẫu vật, Viện đã tạo không gian riêng về tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa. Trong đó nổi bật là bom núi lửa lấy ở đảo Phan Vinh năm 1989, vỏ sò dài 1m, nặng 145kg lấy từ đảo Sinh Tồn năm 1991, mẫu cá mặt trăng đuôi nhọn lấy từ Trường Sa năm 1998, mẫu cá Thu Song khổng lồ nặng 70kg dài 4m lấy ở Trường Sa đầu năm 2011... Một số sinh vật như loài cá Demo (khoang cổ) có bố mẹ lấy từ Trường Sa, được Viện đem về nhân giống, sinh sản nhân tạo và nhiều loài san hô, cá quý hiếm khác cũng được Viện đem ra trưng bày.
Cá Thu Song (Scomberomorus sinensis) nặng 70kg dài 2,4m. Đây là mẫu cá thu lớn nhất Việt Nam (mẫu cá lớn nhất trên thế giới dài 2.47 m)
Trai tai tượng khổng lồ 145kg dài gần 1m
Nhánh san hô quý hiếm một nửa là sừng, một nửa là can xi
Bà Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết hiện nay về tài nguyên Hoàng Sa – Trường Sa, Viện đang lưu giữ khoảng hơn 20.000 mẫu vật. Các mẫu vật chia làm 2 loại: Một là những mẫu sinh vật, địa chất được lưu trữ trong formol và hơn 4.000 loài sinh vật biển sống với hàng trăm loài đang được nuôi trong môi trường nhân tạo.
Bảo tàng ở Viện Hải dương học Nha Trang với trên 20.000 mẫu vật về Hoàng Sa - Trường Sa
Ở giai đoạn 2, bảo tàng sẽ đưa bể trụ đường kính 3m, chiều cao 4,3m dùng để nuôi các loài cá có tập tính sống theo đàn vào tham quan. Đây là bể đầu tiên trong số 6 bể kính lớn thuộc dự án "Xây dựng Khu thuần hóa, bảo tồn sinh vật biển và trưng bày mẫu vật Hoàng sa – Trường Sa".
Trong năm 2020, Bảo tàng sẽ đưa vào hoạt động những bể tiếp theo và toà nhà trưng bày mẫu vật, góp phần đem đến những cảm nhận sống động và chân thực nhất cho du khách khi khám phá kỳ thú của thế giới tự nhiên và hiểu biết hơn về chủ quyền quốc gia trên biển.
Một trong những bể cá đàn lớn nhất Việt Nam
Bảo tàng Hoàng Sa – Trường Sa giúp du khách có cái nhìn tổng quát về đại dương, sự đa dạng tài nguyên thiên nhiên ở nước ta. Qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ các loài sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng và sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Như lời TS Bùi Hồng Long, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học trong ngày đầu khai mở bảo tàng Hoàng Sa – Trường Sa: "Mong rằng tất cả những người có tấm lòng với Hoàng Sa, Trường Sa đến với nơi này sẽ ấm lòng hơn vì Hoàng Sa, Trường Sa không còn là hình ảnh xa xôi nữa mà lúc nào cũng gần gũi trong vòng tay của chúng ta".
Clip toàn cảnh Bảo tàng tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa:
Bảo tàng Tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa
Bình luận (0)