Cũng ở khu vực này có nhiều người nước ngoài sinh sống. Họ cũng phải quen, chấp nhận tình cảnh ngập nước, té ngã khi đi qua khu vực những lúc triều cường, mưa lớn gây ngập nặng...
Còn rất nhiều vợ chồng trẻ làm cư dân các khu dân cư cao cấp dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) những ngày mưa gió hay triều cường vừa qua luôn tìm cách về đón con sao cho không bị kẹt cứng trong dòng xe chôn chân giữa đường vì ngập nước.
Xem ra, những cư dân này, cũng như cư dân nhiều khu dân cư cao cấp khác dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) đều khốn khổ vì triều cường, ngập nước như dân nghèo ở những vùng thấp trũng lâu nay. Tất nhiên, người khá giả chỉ vất vả đoạn đi về trên đường, nhà của họ vẫn khô ráo, tiện nghi đủ đầy. Còn dân nghèo ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh), hay bến Mễ Cốc (quận 8) và nhiều nơi khác thì nước tràn vào nhà, nước vây cả xóm, nước ngâm nhà cửa, đường sá mất mấy ngày. Đồ đạc không kịp kê lên đành chịu ướt; ăn uống, ngủ nghỉ đều trên mặt nước. Khổ cực ai cũng thấy nhưng rồi cũng đã quen, chấp nhận sống chung, sống trong bì bõm với mưa ngập, triều cường...
Nay các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP HCM lại đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Tính đến đầu năm 2019, cả hai TP đang có trên 15 triệu phương tiện lưu thông trên các ngả đường. Các xe máy dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hydrô các-bon (HC), 87% các-bon ôxít , 57% ôxít (NOx). Nguồn khí thải xe máy cùng hàng triệu ôtô, trong đó có các xe quá hạn sử dụng và các nhà máy, cơ sở sản xuất trong khu dân cư thi nhau xả khói đen đặc. Riêng TP Hà Nội có tới 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày tiêu thụ 528 tấn than, phát thải gần 2.000 tấn khí CO2 vào không khí...
Ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội - người phát ngôn của chính quyền TP Hà Nội, cho biết có 12 nguồn chính gây ô nhiễm không khí và TP đã triển khai 19 giải pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các giải pháp thời gian qua của 2 đô thị lớn nhất nước chưa đủ mạnh để cải thiện thực trạng; cần kế hoạch tổng thể, mục tiêu rõ ràng, gắn địa chỉ trách nhiệm mới đem lại kết quả đích thực.
Khi các TP lớn dày đặc công trình bê-tông hóa, các công trường xây dựng thay nhau "làm khổ" dân cư, khi các mảng xanh đô thị đã ít ỏi lại không được trồng mới hay quy hoạch công viên cây xanh mà còn thu hẹp dần thì môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng là tất yếu. Ra đường phải chịu đựng khói bụi; mưa to, triều cường thì nước ngập, kẹt xe..., chất lượng sống của cư dân bị giảm dần. Dù giàu hay nghèo thì cư dân cũng cần được sống trong cảnh an vui, không khí trong lành, không bị nguy cơ bệnh tật bủa vây cùng những bất trắc trước mắt cũng như hậu họa lâu dài. Đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền cùng các cơ quan hữu trách, hãy hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Bình luận (0)