Ngày 16-2, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mạnh dạn thay đổi
Tại hội nghị, vấn đề thu hút nhân tài, chuyên gia trong lĩnh vực KH-CN được nhiều đại biểu quan tâm. PGS-TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM, cho rằng đây là vấn đề được TP HCM chú trọng. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách từ năm 2010 nhưng hiệu quả thấp. "Thành phố cần mạnh dạn thay đổi những thủ tục mời gọi chuyên gia khoa học theo hướng đơn giản hơn, không nặng về hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động đề xuất cho các đơn vị có nhu cầu cũng như quyền quyết định và tính chịu trách nhiệm về hiệu quả mời chuyên gia của đơn vị đó" - ông Xô nêu ý kiến.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải tặng bằng khen tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20
Phân tích sâu hơn, ông Xô cho biết với cơ chế hiện nay thì việc thu hút nhân tài lĩnh vực công nghệ của thành phố sẽ còn khó khăn. Trong chính sách thu hút, giữ chân nhân tài thì chuyên gia hay nhân tài chỉ là số lượng nhỏ nhưng vấn đề là đội ngũ trí thức KH-CN đông đảo tại các đơn vị cần được chú trọng hơn. Do đó, làm sao tạo điều kiện cho đội ngũ này về thu nhập, môi trường làm việc và giữ được họ mới quan trọng. Bởi đây là đội ngũ "xương sống" để thúc đẩy KH-CN thành phố phát triển. Trong thời gian tới, thành phố cũng cần đào tạo nhân lực về quản lý khoa học chứ không dừng lại ở đào tạo chuyên môn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định nêu quan điểm ngoài quy định chung, TP HCM cần có chính sách đặc thù về thu hút nhân tài lĩnh vực KH-CN, nhất là về thu nhập. Thu nhập không đủ sống thì khó mà tập trung làm việc, cống hiến. Cách đây 5 năm, doanh nghiệp start-up mới manh nha nhưng giờ đây TP HCM đã có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, chiếm tỉ trọng 50% cả nước. "Để tăng tỉ trọng đầu tư cho phát triển khoa học đổi mới sáng tạo của một thành phố lớn như TP HCM và muốn nâng ngang tầm khu vực và thế giới thì tổng mức đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo phải ở mức 2% GDP. Có như vậy TP HCM mới có đủ sức bật" - Thứ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh.
Đổi mới quản lý
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết thời gian qua thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển KH-CN nhằm đưa TP HCM sớm trở thành một trung tâm KH-CN của cả nước và khu vực.
Tuy vậy, ông Hải cho rằng việc phát triển KH-CN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị của thành phố, chưa thật sự trở thành động lực phát triển. Đầu tư của nhà nước và xã hội cho lĩnh vực này chưa xứng với tiềm năng; cơ chế quản lý KH-CN đã có đổi mới nhưng chưa theo kịp cơ chế thị trường. Ngoài ra, một số chính sách còn hạn chế, bất cập; thiếu chuyên gia đầu ngành, nhất là lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, vi mạch, trí tuệ nhân tạo…
Ông Nguyễn Hồ Hải nêu nhiệm vụ, giải pháp trước hết là các cấp ủy Đảng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức hoạt động KH-CN, nhất là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, phương thức đầu tư, thu hút nguồn nhân lực. Cần phải huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng KH-CN; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường KH-CN; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao sản phẩm, hướng tới đạt trình độ quốc tế.
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã tặng bằng khen cho 53 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20.
Trình độ công nghệ của doanh nghiệp ngày càng tăng
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Thành ủy TP HCM cho thấy trình độ công nghệ của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn từng bước được nâng cao và cải thiện. Nếu giai đoạn 2012-2016, doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chiếm 11% thì giai đoạn 2016-2020 chiếm 13%. Tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị chung của thành phố trong giai đoạn 2016-2020 là 18,85%/năm. Chi phí mua sắm máy móc, thiết bị của doanh nghiệp khoảng 20.600 tỉ đồng/năm.
Bình luận (0)