Theo kết quả quan trắc, TP HCM đang bị lún 40 mm/năm, cá biệt có nơi lên đến 60 mm/năm. Nguyên nhân của việc sụt lún được xác định là do tốc độ đô thị hóa tăng chóng mặt và đặc biệt là do khai thác nước ngầm chưa được kiểm soát chặt chẽ. TP đang tìm mọi cách hạn chế khai thác nước ngầm bằng hình thức khoan giếng nhưng xem ra thực tế không như mong đợi.
Thích là khoan
Trưa 28-6, ở sâu trong con hẻm E8 đường Thới Hòa thuộc ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có nhiều công trình nhà ở đang được xây dựng. Một chủ nhà cho biết nguồn nước sử dụng để xây nhà là nước ngầm từ giếng khoan. "Ở đây nhà nào xây cũng thuê khoan giếng ngầm cho đỡ chi phí. Chỉ cần 2-5 triệu đồng là có một giếng khoan, sau khi nhà hoàn thành thì lấy nước giếng khoan để sử dụng tắm giặt" - chủ nhà này cho hay.
Người dân ở cuối hẻm E8 đường Thới Hòa khoan giếng để lấy nước xây nhà ở
Liên hệ với một thợ khoan giếng, người này cho biết nếu ở khu vực đường Thới Hòa thì giá khoảng 4,5 triệu đồng, bao gồm cả mô-tơ bơm nước. Người thợ này quả quyết chủ nhà không cần phải xin phép chính quyền địa phương hay thông báo với ai cả, chỉ cần có đường dây điện, sau 3 giờ khoan là có nước sử dụng. Cách đó không xa, ở hẻm F2 đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A) các công trình xây dựng đều sử dụng nước ngầm từ giếng khoan. Việc khoan giếng quá rẻ và dễ dàng nên dù có đường ống cấp nước đi qua nhà, người dân vẫn cứ khoan giếng để xài cho tiết kiệm. Anh Trần Văn Toàn, chủ một tiệm rửa xe ở Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) nói rằng phải xài nước giếng khoan mới có lãi chứ xài nước máy rửa xe thì chỉ có lỗ.
Nếu như các hộ dân khoan giếng nhỏ thì nhiều chủ đầu tư khu dân cư quyết không xài nước máy mà sử dụng nguồn nước ngầm với quy mô hàng ngàn mét khối mỗi ngày. Đơn cử như các khu dân cư Phong Phú 5, (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), khu dân cư Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh)… các trạm cấp nước của chủ đầu tư cắm vòi xuống tầng nước ngầm hút nước lên rồi xử lý để phục vụ cho hàng ngàn hộ dân. Quan sát trạm cấp nước ở khu dân cư Phong Phú 5, tại các vị trí rò rỉ nước bắn tung tóe, tường bị ố màu vàng của phèn. Một số hộ dân sống cạnh trạm cấp nước này cho biết trạm hoạt động cả ngày lẫn đêm, dù được xử lý hóa chất nhưng chất lượng nước rất xấu, thỉnh thoảng bị lắng cặn nên chỉ sử dụng tắm giặt, còn ăn uống thì phải dùng nước bình. Điều đáng nói là đường ống cấp nước sạch đã đến sát khu dân cư nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Bình Chánh vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước ngầm để xử lý rồi phân phối đến người dân.
Lên kế hoạch "triệt" khai thác nước ngầm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, hiện nguồn nước ngầm của TP đang bị khai thác với lưu lượng khoảng 717.000 m³/ngày, trong đó các hộ gia đình là 356.000 m³/ngày, KCX-KCN là hơn 58.000m³/ngày, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) là 130.000 m³/ngày... "Việc khai thác nước ngầm tràn lan dẫn đến tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng, đồng thời việc sử dụng nguồn nước ngầm không qua xử lý tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người dân" - Sở TN-MT nhận định.
Trạm cấp nước ngầm ở khu dân cư Phong Phú 5 vẫn hoạt động dù đã có đường ống nước cấp TP đến tận nơi
Trước thực trạng trên, UBND TP đã ban hành lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm với mục tiêu đến năm 2025 giảm xuống còn 100.000 m³/ngày. Cụ thể, lượng nước khai thác dưới đất của các hộ gia đình giảm còn 28.000 m³/ngày, KCX-KCN giảm còn 8.000 m³/ngày, SAWACO còn 30.000 m³/ngày… Cụ thể, đối với hộ gia đình khu vực ngoại thành sẽ giảm khai thác ngầm cho mục đích sinh hoạt, chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu, tắm vật nuôi. TP cũng sẽ hạn chế gia hạn giấy phép cho các công ty kinh doanh hạ tầng khi có đường ống cấp nước đi qua. Còn các ngành nghề đặc thù như bia, rượu, nước giải khát cũng sẽ bị giảm công suất khai thác. Đối với các trạm cấp nước từ khai thác nước ngầm của SAWACO, đơn vị này phải ngừng khai thác các trạm nhỏ lẻ, chỉ được duy trì các trạm dự phòng.
Đặc biệt, các quận - huyện phải lập kế hoạch trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng và giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước. UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai lộ trình giảm khai thác nước nhưng không gây gián đoạn việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.
Trước yêu cầu trên, lãnh đạo các quận - huyện cho rằng theo quy định hiện hành thì việc trám lấp giếng thuộc trách nhiệm của các chủ giếng, địa phương chỉ có thể làm công tác vận động. Do đó, các quận - huyện đề nghị TP hỗ trợ kinh phí để người dân trám lấp giếng đúng kỹ thuật, an toàn và không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm từ việc trám lấp giếng.
Phải chế tài thật mạnh
Theo quy định, nếu hộ gia đình muốn khoan giếng thì phải thông báo với chính quyền địa phương. Thế nhưng, hầu hết lãnh đạo các phường - xã đều cho rằng khi khoan giếng người dân không hề thông báo. "Phát hiện thì chúng tôi cũng chỉ có thể vận động thôi chứ không thể xử phạt vì quy định không cho phép" - một vị chủ tịch phường nói.
Trước thực tế này, Viện Nghiên cứu Phát triển TP đề nghị cần có chế tài để xử lý các trường hợp tự ý khai thác mới với mức phạt bảo đảm nhằm ngăn chặn hành vi tiếp tục khai thác nước ngầm.
Bình luận (0)