Điều duy nhất nhận biết không khí Tết ở "xóm chạy thận" ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là một cành đào cùng những tấm thiệp mừng năm mới, được cắm sát tường ở giữa con hẻm nhỏ, bên những phòng trọ ẩm thấp, chật chội và những người bệnh với những khuôn mặt đầy ưu tư - Ảnh: Ngô Nhung
Về địa giới hành chính, nơi 129 bệnh nhân bị suy thận đang thuê phòng trọ để ở, là Ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhiều dãy trọ quanh con ngõ nhỏ này đều được những bệnh nhân thuê để ở lâu dài từ năm này qua năm khác, nên người ta gọi luôn là "Xóm chạy thận" cho dễ nhớ.
Xóm chạy thận hiện có 129 bệnh nhân, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau ở miền Bắc. 129 người bệnh là 129 phận đời khác nhau, nhưng hầu hết đều chung hoàn cảnh, đó là cái nghèo và mang trong mình bệnh trọng. Tất cả đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, chu kỳ cứ lặp đi lặp lại liên tục như vậy, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt.
Ông Mai Anh Tuấn, được các bệnh nhân bầu là trưởng xóm chạy thận
Ông Mai Anh Tuấn, 43 tuổi, quê ở Ba Vì (Hà Nội). Tuấn hơn người viết một tuổi nhưng người viết xuýt gọi bằng chú khi bắt đầu trò chuyện. Là người bệnh cựu trào nhất ở đây khi có tới 24 năm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai và sinh sống ở xóm trọ này, ông Tuấn đã được mọi người gọi là xóm trưởng.
Tất cả những người bệnh ở xóm trọ này, đều có bảo hiểm hộ nghèo, một vài người là cán bộ về hưu, nên chi phí điều trị gần như được bảo hiểm chi trả. Họ chỉ phải chạy vạy tiền để lo tiền ăn, tiền ở, tiền mua thêm thuốc bên ngoài.
"Đêm 30 Tết, mọi người ở lại, tụ tập với nhau trò chuyện, chia sẻ động viên với nhau cho khuây khỏa, chứ toàn người bệnh cả, có ai ăn uống gì được nhiều đâu"- ông Tuấn bày tỏ.
Ông Mai Anh Tuấn bảo Tết năm nay có 48 người sẽ ở lại đón Tết ở xóm trọ này. Có lẽ, hỏi Tết ở đây có vui không, là điều không nên hỏi, bởi vui làm sao được, không được sum vầy cùng người thân, thiếu thốn đủ thứ, rồi bệnh tình hành hạ.
Nhưng ông Tuấn bảo "không vui cũng phải vui", vì trước hết, vui để giữ sức khỏe cho mình, dù thực sự, buồn là có buồn, bởi Tết ai chẳng muốn đoàn viên, sum họp cùng gia đình, người thân. "Nhưng vì lịch điều trị cũng như sức khỏe không cho phép, nên phải ở lại thôi" - ông "trưởng xóm" bộc bạch.
Những cái tết xa nhà luôn khiến những người bệnh tủi thân, dù họ cố tỏ ra mạnh mẽ và lạc quan
Ông Mai Tuấn Anh bảo rằng cuộc sống của bệnh nhân chạy thận mà. "Nên nhiều lúc đang trò chuyện với nhau đây, nhưng một vài tiếng sau, lại có người trong xóm chạy thận ra đi, không bao giờ trò chuyện được với nhau nữa".
Ông Tuấn nói ông sống ở xóm trọ này lâu nhất, đã từng chứng kiến những người bạn của ông ở xóm trọ này, "vừa uống với nhau chén trà rồi người ấy đi vào viện chạy thận. Hơn tiếng đồng hồ sau, có người gọi về xóm, bảo nó đi rồi" - ông Tuấn ngậm ngùi.
Không gia đình
Chiều cuối năm, một người phụ nữ trung niên dáng liêu xiêu, bước chậm, tay cầm sổ khám bệnh. Bà là Nguyễn Thị Ráng (57 tuổi, quê ở huyện Đông Hưng, Thái Bình) vừa từ Khoa chạy thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai, trở về căn phòng trọ.
Bà Nguyễn Thị Ráng (57 tuổi, quê Đông Hưng, Thái Bình) vừa từ Khoa chạy thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai trở về căn phòng trọ
Năm 2002, trong một lần đi khám sức khỏe bà được chuẩn đoán bị suy thận cấp độ 3. Tuy nhiên, do không có điều kiện chữa trị bà quyết định về nhà chữa thuốc nam, nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng. Những lần huyết áp tăng cao khiến bà liên tục phải nhập viện cấp cứu.
Không chồng con, quanh năm suốt tháng thui thủi trong căn phòng có diện tích chưa đầy 4 m2, chỉ đủ kê một chiếc giường đơn và một vài thứ vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Hơn 16 năm chạy thận ở Bạch Mai, thì có hơn 10 năm bà Ráng đón Tết ở phòng trọ này. Niềm vui của bà là tình yêu thương, sự sẻ chia từ những người cùng cảnh ngộ.
Bà Nguyễn Thị Ráng chia sẻ về cuộc sống của mình cũng như các bệnh nhân cùng cảnh ngộ ở xóm trọ
Tay bà Ráng bị nổi hạch và thường xuyên bị những cơn đau hành hạ
Cơ thể thiếu chất, độc tố ngày một tích tụ nhiều, sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau những lần lọc máu, cơ thể ngày càng rệu rã, chân tay sưng vù, tay bà Ráng nổi hạch thường xuyên bị cơn đau buốt hành hạ nhiều đêm không thể ngủ được.
Tết này là cái Tết thứ 10 bà Ráng ăn Tết ở phòng trọ cùng những bệnh nhân trong xóm chạy thận
Số phận nghiệt ngã
Chị Lan, 25 tuổi, gầy rộc. Chị quê ở huyện Hiệp Hóa, tỉnh Bắc Giang. Sau ba năm phải điều trị suy thận ở bệnh viện Bạch Mai, từ một cô gái có mái tóc dài rất đẹp, xinh xắn, nay chị Lan phải cắt tóc ngắn, nặng có 33 kg; tay nổi đầy cục.
Nụ cười luôn nở trên môi như muốn giấu đi những cay nghiệt của cuộc đời: Hai lần mang bầu rồi sinh con, các con của người phụ nữ mới 25 tuổi này đều không có phúc phận, phải rời xa chị khi mới chỉ được vài tháng tuổi. Nỗi đau mất con, thắt từng khúc ruột, còn mỗi chỗ bám víu vào người chồng, nhưng rồi người ấy cũng chia tay chị để lập gia đình với người phụ nữ khác.
Chị Lan bảo chị không trách chồng. Chị nghẹn giọng: "Tại em không còn đủ sức khỏe để sinh con nữa".
Đó chỉ là một vài trong số 129 người bệnh sống trong xóm chạy thận ở đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tết năm nay, sẽ có 48 người trong số này không về quê ăn Tết, phần vì yếu, phần vì nhà xa, phần vì có lịch chạy thận.
Chị Lan Tết này không về quê nhà
Khi chị Lan ốm, mẹ chị phải rời Bắc Giang để lên Hà Nội sinh sống cùng. Mẹ chị đi rửa bát ở quán ăn, mỗi tháng được 4 triệu đồng. Tiền điều trị ở viện thì cơ bản bảo hiểm đã chi trả, nhưng chi phí mua thêm thuốc ngoài bảo hiểm, tiền ăn, tiền trọ, mỗi tháng phải hết khoảng 6 triệu đồng.
"Thiếu thì mẹ em lại về quê vay bà con ở nhà" - chị Lan tâm sự.
Sau nhiều lần điều trị, tay chị Lan đã nổi cục
Bệnh nhân khỏe chăm sóc bệnh nhân yếu. Đêm nếu có ai đó phải đi cấp cứu, thì lại í ới gọi nhau, rồi cùng xúm vào đưa người bệnh đi sang viện. "Hình ảnh xúc động nhất trong 3 năm điều trị ở đây, là khi em ốm nặng, mọi người đều đến động viên, giúp đỡ mẹ con em" - chị Lan tâm sự.
Người phụ nữ 25 tuổi nói Tết, cũng có nhiều đoàn từ thiện đến tặng quà cho xóm. "Cùng có người cho được cái bánh chưng, cũng có người cho được túm bánh kẹo. Em và mọi người rất cảm động" - chị Lan chia sẻ.
Hỏi Tết đã chuẩn bị được gì chưa, chị Lan nhoẻn miệng cười: "Dạ chưa, vì có gì đâu mà chuẩn bị hả anh".
Ở đây mọi người rất yêu thương, giúp đỡ nhau. Người khỏe hơn giúp người yếu hơn
Ông Mai Tuấn Anh cho biết trước đây bệnh viện Bạch Mai không chạy thận những ngày Tết. Bệnh nhân sẽ được phục vụ chiều 30 sau đó về quê đến mùng 3, mùng 4 Tết mới quay lại. Song, gần đây, lịch bệnh viện chạy thận đều hơn. Mọi người duy trì lọc máu đều đặn 3 ngày mỗi tuần để duy trì sự sống.
Hiện nay xóm chạy thận có 129 người. Từ trẻ đến già đều có cả, có người đã ngoài 80 tuổi. Họ làm đủ thứ nghề từ đánh giày, rửa bát thuê, xe ôm, bốc vác, bán trà đá... để có thêm tiền trang trải chi phí.
Một bệnh nhân sinh sống ở xóm chạy thận chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động về cuộc sống của những bệnh nhân ở đây
Những người hảo tâm tặng bánh chưng, bánh kẹo để những bệnh nhân nghèo ở lại đón Tết
Nỗi cô đơn của những bệnh nhân ở xóm chạy thận trong những ngày giáp Tết
Bữa cơm tất niên của những bệnh nhân nghèo. Họ nương tựa vào nhau để vượt qua nghịch cảnh
Bệnh tật, sự cô đơn, vất vả không thể làm những người bệnh nghèo gục ngã. Bằng ý chí, nghị lực, sự yêu thương, họ đã bao bọc, động viên nhau vượt qua những khó khăn trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Bình luận (0)