Vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế nhìn thấy từ đầu năm 2021, khi những cảnh báo về dịch Covid-19 có thể xâm nhập các đô thị lớn và các khu công nghiệp tập trung.
Hầu hết lao động ở khu vực này là người nhập cư. Chỉ cần dừng sản xuất một thời gian ngắn, doanh nghiệp không duy trì được thu nhập cho người lao động thì họ sẽ trở về quê để giảm khó khăn, không phải thâm lạm vào tiền tích lũy vốn rất còm cõi. Họ cũng không có nhiều vướng bận nơi đô thị, không bị ràng buộc trách nhiệm và hơn thế, không có lợi ích thiết thân với doanh nghiệp.
Về quê là giải pháp đơn giản nhất và cũng hợp lý nhất đối với người lao động trong lúc rất khó khăn này. Cả trăm ngàn lao động đã trở về từ đợt trước và nay vẫn tiếp tục. Họ đã để lại sau lưng một khoảng trống quá lớn không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết nguyên đán, các doanh nghiệp cũng không hy vọng quá nhiều là công nhân sẽ sớm trở lại.
Nguyên nhân khách quan đã khá rõ ràng là do dịch bệnh tác động toàn diện làm cuộc sống khó khăn, kinh tế chững lại, doanh nghiệp cũng lao đao. Còn nguyên nhân chủ quan thì ít có doanh nghiệp nào chịu thừa nhận rằng phân chia lợi ích chưa sòng phẳng. Doanh nghiệp đặt ưu tiên cho người trực tiếp sản suất tới đâu? Ngoài tiền lương vốn dĩ không cao thì người lao động được chăm lo phúc lợi thế nào?... Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào "lòng tốt" của doanh nghiệp.
Chăm lo cho người lao động tại Công ty Thủy hải sản Sài Gòn - Ảnh: HỒNG ĐÀO
Mối ràng buộc lớn nhất giữa người lao động và phần lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ là hợp đồng lao động. Lợi ích lớn nhất của người lao động là tiền lương hằng tháng. Khi lợi ích này không thỏa mãn, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu và có tích lũy thì người lao động tìm sinh kế khác. Đây là vấn đề thực tế của số đông doanh nghiệp nên muốn giải quyết cũng phải nhìn vào đây.
Tuy vậy, có không ít ông chủ đã xem người lao động là phần quan trọng, thậm chí mang tính sống còn của doanh nghiệp. Họ liên tục thúc đẩy hiệu quả lao động bằng các chính sách tiền lương thực chất. Chia sẻ lợi nhuận để người lao động tin tưởng vào doanh nghiệp và xem đây là cộng đồng lợi ích. Thậm chí có doanh nghiệp ưu tiên, tạo điều kiện để công nhân có được cổ phần của công ty. Từ mối quan hệ chủ - thợ đã trở thành quan hệ đối tác: lãi nhiều thì lợi ích nhiều, khó khăn phải cùng gánh.
Giải bài toán ổn định nguồn lao động ở tầm quốc gia thì quá sức của doanh nghiệp mà chủ đạo vẫn là các chính sách pháp luật từ nhà nước. Trước hết phải cải cách chế độ tiền lương để người lao động không bị bất lợi khi thỏa thuận hợp đồng luôn phải dựa trên mức lương tối thiểu. Quy định về các nguồn quỹ phúc lợi phải được thực chất hóa; chính sách bảo hiểm phải đủ mạnh để người lao động sống được khi không còn làm việc...
Xa hơn nữa là phải thoát được mô hình kinh tế dựa vào nhân công giá rẻ.
Bình luận (0)