Trong các ngày 21, 22-10, bầu trời TP HCM trắng đục, không thể nhìn thấy mặt trời và các hoạt động trên cao. Đại diện Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thuộc Sở TN-MT TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Quan trắc) nhận định khả năng là hiện tượng mù quang hóa nhưng để biết chính xác phải chờ kết quả lấy mẫu từ các trạm quan trắc.
Có quan trắc nhưng không cảnh báo được
Theo ghi nhận, các bảng điện tử trên một số trục đường chính của TP HCM như Trường Chinh, Cộng Hòa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… liên tục hiện lên các chỉ tiêu về chất lượng không khí nhưng số liệu này là của… 1 tháng trước, không có giá trị tham khảo.
Nhiều người dân khi được hỏi đều cho biết chưa hiểu hết các thông số trên bảng điện tử, chỉ biết màu xanh là ổn, màu đỏ là chưa ổn. Có người tự tải app theo dõi ô nhiễm không khí và mua khẩu trang hạn chế bụi mịn.
Bảng điện tử trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM) đăng tải chất lượng không khí tháng 8-2019 trong thời điểm bầu trời ngày 2-10 trắng đục Ảnh: LÊ PHONG
Đánh giá về chất lượng không khí thời gian qua, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc, cho rằng diễn biến bất thường hơn so với cùng kỳ, kết quả quan trắc tại 30 vị trí từ ngày 3-9 đến 20-9-2019 (thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa) cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5), nhiều thời điểm bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần. Chỉ có trạm quan trắc tự động liên tục mới cho kết quả nhanh, chính xác và cảnh báo kịp thời cho người dân. Việc đầu tư các trạm quan trắc tự động rất cần thiết nhưng phải kéo dài từ nay đến năm 2030 do chưa có kinh phí.
Đầu tư sớm chừng nào, tốt chừng đó
Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc, TP HCM có 30 trạm quan trắc với tần suất 10 ngày/tháng đo vào 2 thời điểm (7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và 15 giờ đến 16 giờ), chủ yếu đặt tại các giao lộ, vòng xoay, các tuyến đường có mật độ giao thông cao như khu vực vòng xoay An Sương (quận 12), vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức)… Công tác lấy mẫu được thực hiện thủ công, mẫu sau khi lấy sẽ mang về phòng thí nghiệm phân tích, mất 4-5 ngày mới cho ra kết quả. Chưa kể mẫu lấy chỉ ở một thời điểm, không liên tục nên không đánh giá được hiện trạng ô nhiễm không khí một cách chính xác, đồng bộ.
Nhìn nhận công tác lấy mẫu bán thủ công như hiện nay, GS- TSKH Lê Huy Bá, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết kết quả không chính xác và không cảnh báo cho người dân bởi thông số thường sai lệch, chưa kể muốn đánh giá chất lượng không khí một cách toàn diện thì công tác lấy mẫu phải liên tục chứ lấy một vài thời điểm thì không đánh giá được. "Là một đô thị hiện đại, người dân phải biết chất lượng không khí nơi mình sống. TP cần sớm đầu tư các trạm quan trắc tự động, nếu chưa có nguồn vốn thì đầu tư từ 15, 20 rồi tăng lên 30 trạm; song song đó kết hợp đưa số liệu quan trắc lên bảng điện tử để người dân nắm thông tin nhanh, chính xác và kịp thời"- ông Bá đề xuất.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, thông tin từ năm 2002, TP HCM được chính phủ Na Uy tài trợ 9 trạm quan trắc tự động và tự hào là đô thị duy nhất Việt Nam có trạm quan trắc tự động. Thế nhưng, đến năm 2010, những trạm quan trắc này đều hư hỏng do không phù hợp khí hậu nóng ẩm của TP HCM. Sau đó, hơn 20 trạm quan trắc bán tự động được TP đầu tư nhưng lấy mẫu thủ công rồi mang về phòng thí nghiệm sấy khô, phân tích mất vài ngày nên không có tính dự báo và cảnh báo kịp thời cho người dân. "Đầu tư hệ thống quan trắc sớm chừng nào thì công tác đánh giá chất lượng không khí hiệu quả chừng ấy, qua đó giúp người dân hạn chế những ảnh hưởng do ô nhiễm không khí" - ông Tuấn nói.
Về kế hoạch đầu tư trạm quan trắc tự động, Sở TN-MT cho biết từ nhiều năm trước, sở đã kiến nghị UBND TP ưu tiên vốn đầu tư các trạm quan trắc tự động và đang triển khai "Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", dự kiến đến năm 2020 đầu tư 10 trạm quan trắc tự động liên tục và thêm 11 trạm đến năm 2030. Sở dĩ tiến độ đầu tư kéo dài vì theo đại diện sở này, kế hoạch chia 2 giai đoạn vì vừa làm vừa rút kinh nghiệm và kêu gọi vốn đầu tư từ xã hội hóa.
Quan trắc "đạt", thực tế lại vượt chuẩn nhiều lần
Tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCX, KCN trên địa bàn TP, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường Công an
TP HCM cho biết năm 2018, quá trình kiểm tra, lấy mẫu nước thải tại 2 KCN Lê Minh Xuân và KCN Tân Tạo đã phát hiện 2 đơn vị này xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch với số lượng lớn, mỗi ngày vài chục m3 và bị xử phạt rất nặng. Điều bất ngờ là số liệu từ các trạm quan trắc của 2 KCN này cho kết quả "đạt" nhưng lúc kiểm tra thì vượt ngưỡng rất nhiều lần.
Giải thích điều này, ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN-MT, cho rằng ngoài 16 trạm quan trắc tự động nước thải do TP đầu tư đặt tại các KCX, KCN thì một số KCN cũng tự đầu tư hệ thống quan trắc để chủ động giám sát, đơn cử như KCN Lê Minh Xuân. Có thể qua thời gian sử dụng, do công tác bảo trì, bảo dưỡng chưa hợp lý làm hệ thống xuống cấp, số liệu không chính xác.
Bình luận (0)