Ngày 22-1, tại sân bay Điện Biên (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng các đại biểu phát lệnh khởi công Dự án
Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết Dự án sẽ xây dựng đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2.400 m x 45 m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê-tông xi-măng đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5 m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 60x100 m, kết cấu bê-tông nhựa; xây dựng đường lăn nối cách đầu 17 khoảng cách 500 m, kết cấu bê-tông xi-măng; xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I...
Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng. Trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến. Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.
Sau khi dự án hoành thành, sân bay Điện Biên có thể đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương, đón 500 ngàn khách/năm.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của ACV.
Công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên đã được tỉnh triển khai, đảm bảo tiến độ và phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt của sân bay Điện Biên.
Dự kiến Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III năm 2023 để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hiện nay, sân bay Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác máy bay ATR72 , Embraer-190 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).
Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công Dự án, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tỉnh Điện Biên nằm ở cực Tây của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Điện Biên cũng là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, địa danh có truyền thống cách mạng hào hùng, gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, và các Bộ ngành trung ương.
Năm 2021, một trong những kết quả quan trọng nhất của tỉnh Điện Biên là phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, đã triển khai và hoàn thành thủ tục đầu tư, thu hút các doanh nghiệp xây dựng, mở rộng sân bay Điện Biên. Đây cũng là dự án lớn đầu tiên được khởi công trong năm 2022 trên cả nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhấn mạnh việc sớm hoàn thành đầu tư xây dựng công trình có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, Phó Thủ tướng đánh giá sân bay Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển ngành du lịch, thương mại, dịch vụ, phát huy các giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Đây chính là những tiềm năng, lợi thế lớn nhất của tỉnh Điện Biên.
Phối cảnh sân bay Điện Biên
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư ACV, các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng và lắp đặt huy động tối đa nguồn lực, khẩn trương xây dựng dự án, bảo đảm an toàn, chất lượng kỹ thuật và tiến độ.
UBND tỉnh Điện Biên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chủ đầu tư, các đơn vị xây dựng, tư vấn trong quá trình triển khai dự án, nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trên công trường.
Bộ GTVT và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời các thủ tục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng, nghiệm thu, đưa công trình vào vận hành, khai thác.
Phó Thủ tướng lưu ý để sân bay Điện Biên phát huy hiệu quả, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế-văn hóa-lịch sử, cửa khẩu và kết nối với các địa phương khác trong vùng Tây Bắc. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan trung ương, các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch, xây dựng các dự án phát triển hạ tầng bảo đảm đồng bộ, thuận lợi cho các doanh nghiệp, các du khách trong nước và quốc tế đến với Điện Biên sau khi công trình hoàn thành.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khoá 10 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021).
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng việc hoàn thành đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sẽ tạo ra động lực mới, góp phần đưa Điện Biên và vùng Tây Bắc bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết để chuẩn bị sẵn sàng cho giải phóng mặt bằng cho dự án khi được phê duyệt, ngay từ năm 2019, tỉnh đã chủ động bố trí nguồn vốn tái định cư. Với quyết tâm rất cao, trong thời gian kỷ lục 8 tháng kể từ khi Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã hoàn thiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng 149,5, ha, ảnh hưởng tới 1.300 hộ dân và 23 tổ chức, với nguồn vốn 1.555 tỉ đồng, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Cảng vụ hàng không miền Bắc trong ngày 30-10-2021.
Dự án mở rộng sân bay Điện Biên khi hoàn thành sẽ tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Dự án dự kiến hoàn thiện vào tháng 9-2023 sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên
Sẽ kết nối đường bay quốc tế đến với Điện Biên
Sân bay Điện Biên là một trong những sân bay chính của lực lượng Phòng không - Không quân tại khu vực chiến trường phía Tây Bắc, là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta. Về mặt hàng không dân dụng, Cảng hàng không Điện Biên có vai trò động lực phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng.
Hiện nay, sân bay Điện Biên có 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830 m x 30 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ máy bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách đươc xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác máy bay ATR72 , Embraer-190 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).
Ngày 27-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 470/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Dự án có quy mô khu bay gồm: Đường cất hạ cánh; đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Quy mô hàng không dân dụng, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 ngàn khách/năm lên 500 ngàn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Với việc hoàn thiện mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác các mạng đường bay trong cả nước, tạo cơ hội kết nối các vùng miền đến với Tây Bắc và tương lai không xa sẽ là kết nối đường bay quốc tế đến với Điện Biên, qua đó giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, nhanh chóng hơn, kinh tế các địa phương phát triển, đời sống thu nhập của người dân được cải thiện và nâng cao.
Bình luận (0)